3 bác sĩ mắc COVID-19 đều diễn tiến nặng, phải thở oxy. Bản tin 10 ngày trước từng khiến cộng đồng y khoa choáng váng bởi thực tế, họ đang ở “chiến trường”. Trực tiếp hàng ngày đối mặt với COVID-19.
Nhân viên y tế kiệt sức trong cuộc chiến với dịch bệnh, một hình ảnh về sự tận tuỵ từng gây xúc động dư luận. Ảnh: LĐO |
“Chiến trường” là cách gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong thư gửi các thầy thuốc, nhân viên y tế.
“Chiến trường nào cũng gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh; các anh, các chị và các bạn thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” đang dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình”- thư viết.
Nhớ trong một diễn đàn ngành y từng có một status “chuyện trong chăn” nhận được vô số đồng cảm từ dư luận về “những chiến trường”, những gian khổ mà họ phải đối diện.
Đó là chiến trường cuộc sống, khi lương một điều dưỡng 6-7 triệu/tháng cho tất cả: trực gác, gặp 200 ca bệnh mỗi ngày, chạy lăng xăng không biết bao giờ xong việc. Khi 15 ngàn cơm tối cho trực đêm... Khi 25 ngàn - tiền công thêm một bác sĩ ngoại khoa - cho một ca vá thủng ruột.
Đó là chiến trường mà nhân viên y tế sẽ phải trả bằng tiền túi của mình cho mỗi vật dụng hư hỏng, khi người nhà bệnh nhân không đóng viện phí đủ. Đó là chiến trường mà thường ngày nhân viên y tế là người đầu tiên, và có thể là duy nhất, phải “hứng rác” tất tật những phàn nàn! Và khi bị hăm doạ, bị bạo hành... vì bất kỳ lý do gì, nhân viên y tế cảm thấy cực kỳ đơn độc.
Trong chiến trường đa mặt ấy, những nhân viên y tế bắt buộc luôn phải niềm nở, vui vẻ, luôn phải là mẹ hiền, từ mẫu.
Nhưng, đúng như cái status trên đã từng thốt lên: “Chúng tôi không là thánh”. Bởi “Một cái áo trắng toát sẽ rất đẹp, nhưng chỉ một vết đen vô ý cực nhỏ trong đó, nhiều khi, cái áo sẽ bị nhuộm không tiếc tay, chẳng nhớ nhung gì những cực khổ nó phải trải qua để được trắng như nó đã từng”.
Đúng là chỉ người trong cuộc mới biết người trong kẹt. Và chiến trường, vì thế, không chỉ là việc hàng ngày đang đối diện với dịch bệnh nguy hiểm.
Hôm nay, trong tình huống dịch bệnh, những nhân viên y tế được nhìn như những chiến sĩ, những chiến binh. Nhưng nếu được nói ra một mong ước, chắc chắn họ mong muốn có một sự đồng cảm, thấu hiếu, một sự hỗ trợ động viên từ chính chúng ta - không phải chỉ trong tình huống dịch bệnh để họ được “làm nhiệm vụ của mình trong điều kiện được chăm sóc, được yêu thương”.
Ba bác sĩ phải thở oxy, đến nay không biết họ đã ra sao? Đã “được về nhà”?!
ANH ĐÀO (LĐO)