Thời sự - Bình luận

Chống dịch, chống cả thông tin giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc để chung tay chống dịch Covid-19 thì không ít đối tượng đã đưa thông tin sai sự thật trên một số trang mạng xã hội nhằm “câu view”, gây hoang mang dư luận. Do đó, bên cạnh công tác phòng-chống dịch, việc quyết liệt đấu tranh chống thông tin giả cũng không kém phần quan trọng. 
Nhiều người đã đăng tải thông tin không chính xác về 2 công dân trên mạng xã hội facebook. 
Đến thời điểm này, cả nước có 16 ca được xác định nhiễm vi rút corona, trong đó có 7 ca đã được điều trị thành công và xuất viện; chưa có trường hợp nào tử vong do dịch Covid-19. Điều đó chứng tỏ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ thông tin, tuyên truyền, dự báo đến công tác chuẩn bị các phương án dự phòng cơ sở vật chất, đặc biệt là sự nỗ lực không mệt mỏi của các y-bác sĩ tham gia chống dịch. Nhiều cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã phải đối mặt với các hiểm nguy do lây nhiễm bệnh; không ít người đã hy sinh việc riêng tư, hạn chế về nhà để đảm bảo việc chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân và tránh lây nhiễm vi rút ra cộng đồng. Do vậy, càng gần đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), chúng ta càng trân quý biết bao những con người trên tuyến đầu chống dịch.
Thế nhưng, thời gian gần đây, không riêng gì tỉnh ta mà đây đó ở một số tỉnh, thành trong cả nước vẫn có nhiều cá nhân đã đưa thông tin không được kiểm chứng, không đúng sự thật về dịch Covid-19 lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Đơn cử, đầu tháng 2-2020, Vi Văn Đức (SN 1995, trú tại thôn Pắc Pó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) đã đăng trên tài khoản Facebook của mình (nick “VI Van Duc”) thông tin: “Dịch đến Ia Lâu rồi muốn đi chơi đâu cũng khó” kèm theo hình ảnh có liên quan đến vi rút corona. Một người khác là Nông Thị Thanh Thắm (SN 2003, trú tại làng Piơr, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Facebook cá nhân “Thanh Thắm”) đã chia sẻ bài viết của Đức và bình luận thêm: “Đã đến Ia Lâu rồi ư”. Sau khi đăng tải, các bài viết trên đã thu hút nhiều lượt xem, bình luận, chia sẻ, gây hoang mang dư luận. Do vậy, Công an huyện Chư Prông đã xử phạt Đức 2,5 triệu đồng và Thắm 1,25 triệu đồng vì thông tin sai sự thật.
Thực tế đáng buồn là một số trường hợp người của công chúng như: Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân lại có những phát ngôn không đúng trên Facebook cá nhân về dịch Covid-19, gây tác động xấu đến đời sống xã hội. Với hành vi trên, các nghệ sĩ này đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh xử phạt 10 triệu đồng/người. 
Nêu vấn đề trên để thấy rằng, nếu không tỉnh táo, người dân sẽ không chết vì vi rút corona mà “chết” vì thông tin giả. Loại thông tin này không những gây tâm lý hoang mang trong dư luận mà còn gây khó khăn trong quá trình triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh. Bởi vậy, song song với việc đối phó với vi rút corona, chúng ta cũng phải quyết liệt đấu tranh ngăn chặn việc đưa tin không đúng sự thật. Theo luật sư Nguyễn Duy Ngọc-Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh: “Hành vi đưa thông tin sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Người dùng mạng xã hội cần tự trang bị kiến thức, sự hiểu biết để phân biệt tin thật, tin giả, không vội vàng đưa thông tin chưa kiểm chứng gây hoang mang trong nhân dân. Chính quyền cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên không gian mạng một cách kịp thời theo quy định của pháp luật”.
 LÊ VĂN NHUNG

Có thể bạn quan tâm