Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Chung mạch nguồn cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, căn cứ kháng chiến Cư Ju-Dliê Ya sẽ trở thành biểu tượng tinh thần đoàn kết, nối dài mạch nguồn cách mạng, trái tim liền mạch đập của 2 tỉnh Gia Lai, Đak Lak.

Từ năm 2008 đến 2022, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đak Lak cùng cán bộ lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử thực hiện nhiều đợt khảo sát, xác định vị trí tọa độ những điểm di tích của Khu căn cứ kháng chiến Cư Ju-Dliê Ya. Ông Phạm Ngọc Lợi-nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đak Lak, người tham gia một số chuyến khảo sát-cho hay: Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Gia Lai, Huyện ủy, UBND huyện Krông Pa, nhất là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân buôn Uar (xã Chư Drăng), đoàn đã tiếp cận những điểm di tích nằm sâu giữa rừng già và những dãy núi trùng điệp.

Ông Lợi kể: Sau nhiều ngày xuyên rừng, đoàn đã tìm đến các vị trí quan trọng của Khu căn cứ Cư Ju-Dliê Ya như: điểm K91-nơi ở và làm việc của cơ quan Thường vụ Ban cán sự Đảng tỉnh Đak Lak những năm 1955-1959; vị trí tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đak Lak lần thứ I (tháng 8-1960) nằm bên suối Ea Hiăng, lần thứ II (tháng 8-1963) nằm bên suối Ea Tral, lần thứ VI (tháng 9-1973) nằm bên suối Ea Mlan (đây cũng là nơi thành lập UBND cách mạng lâm thời tỉnh Đak Lak do đồng chí Y Blốk Êban-Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch; đồng chí Lê Chí Quyết-Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Bí thư Đảng đoàn chính quyền để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Đak Lak đến ngày thắng lợi hoàn toàn năm 1975).

“Khi tìm được những vị trí quan trọng của Khu căn cứ, cả đoàn ai cũng phấn khởi. Các bác Lê Chí Quyết, Ama Thương không giấu được niềm xúc động khi đã hơn 35 năm rời Khu căn cứ mới có dịp về thăm lại vùng chiến khu xưa và kể về những câu chuyện, sự kiện lịch sử, nơi đứng chân cơ quan Tỉnh ủy, hội trường tổ chức các lớp tập huấn chính trị cho cán bộ, chiến sĩ và nơi đóng quân của các Ban của tỉnh”-ông Lợi hồi nhớ.

Theo các nhân chứng lịch sử, Khu căn cứ kháng chiến Cư Ju-Dliê Ya đứng vững trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đóng vai trò là căn cứ đầu não của tỉnh Đak Lak không chỉ vì địa thế hiểm yếu, mà còn nhờ xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc. Căn cứ còn hoàn thành sứ mệnh theo Chỉ thị của Trung ương năm 1958 về việc xây dựng Tây Nguyên mà trọng tâm là xây dựng Nam Tây Nguyên thành một căn cứ địa vững chắc, đường hành lang từ Cư Ju-Dliê Ya đi các tỉnh Phú Yên, Gia Lai và ra Khu, cùng với đường hành lang tới các huyện thông suốt, thường xuyên bảo đảm an toàn, góp phần cùng cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước.

Với ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn, 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak đã phối hợp làm hồ sơ đề nghị công nhận khu căn cứ kháng chiến Cư Ju-Dliê Ya là di tích lịch sử quốc gia. Theo ông Đinh Một-Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đak Lak, hồ sơ được lập từ hàng chục năm trước, cũng là hồ sơ xây dựng lâu nhất và công phu với sự tham gia của nhiều nhân chứng lịch sử. “Chúng tôi tìm hiểu về Luật Di sản văn hóa và được sự tư vấn của các nhà khoa học để tiến hành lập hồ sơ khoa học, quy hoạch khu vực bảo vệ di tích. Với tầm vóc, ý nghĩa của căn cứ kháng chiến Cư Ju-Dliê Ya, có thể đề nghị công nhận là di tích lịch sử quốc gia”-Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đak Lak nhấn mạnh.

Đối với ông Lê Chí Quyết, căn cứ Cư Ju-Dliê Ya là một phần tuổi trẻ không chỉ với riêng ông mà của biết bao đồng chí, đồng đội. Ông bày tỏ sự xúc động: “Lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử quốc gia đối với khu căn cứ kháng chiến là đáp ứng nguyện vọng tha thiết từ bấy lâu nay của chúng tôi”. Còn ông Tô Tấn Tài (Ama HOanh)-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đak Lak thì chia sẻ: “Tôi rất hoan nghênh sự phối hợp của 2 địa phương Đak Lak và Gia Lai để xây dựng hồ sơ di tích và có kế hoạch phục dựng lại các địa điểm quan trọng trong vùng lõi căn cứ, lưu lại các điểm di tích lịch sử để góp phần giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng, cổ vũ niềm tự hào trong Đảng bộ, quân và dân 2 tỉnh, truyền lửa cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Có thể bạn quan tâm