(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra với nhiều phiên thảo luận chính thức và đối thoại song phương với các đối tác, Hội nghị cấp cao ASEAN 35 tại Bangkok (Thái Lan) đã bế mạc. Thủ tướng Thái Lan đã trao “chiếc búa quyền lực” cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chính thức chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam. Năm Chủ tịch ASEAN đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội, cũng là thời điểm quan trọng với ASEAN khi Hiệp hội đi được nửa chặng đường trong việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Thủ tướng công bố Chủ đề Năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35, các nhà lãnh đạo đã đề cập nhiều nội dung quan trọng như: các biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; kết quả thực hiện và các biện pháp tiếp tục triển khai “Tuyên bố Tầm nhìn lãnh đạo ASEAN về tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững” (thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra vào đầu năm 2019); thực hiện các ưu tiên năm 2019 theo tinh thần chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững”, đồng thời định hướng cho ASEAN trong các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã trao đổi biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ sâu rộng, cùng có lợi với các đối tác; kiểm điểm việc thực hiện các kế hoạch hành động giữa ASEAN và đối tác, đồng thời huy động sự hỗ trợ của các đối tác đối với tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN; tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, trong đó có thúc đẩy các khả năng hợp tác ứng phó với biến động của kinh tế thế giới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giải quyết các thách thức toàn cầu như môi trường, biến đổi khí hậu, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng…
10 năm trước, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ nhất, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn với những hành động, chương trình thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển của khối ASEAN vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung của khu vực. Giờ đây, đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN ở vào một thời điểm có nhiều biến động của tình hình thế giới và khu vực, những diễn biến mới trên Biển Đông với sự gia tăng các hoạt động đe dọa chủ quyền lãnh thổ, nguy cơ xảy ra tình trạng mất an ninh an toàn hoạt động hàng hải và kinh tế biển của các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đề xuất chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”.
Trên tinh thần này, “trong năm 2020, Việt Nam mong muốn tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy khi tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha.
Nhớ lại, khi ra mắt Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 tại Hà Nội vào cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, việc Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, vừa là cơ hội lớn để đóng góp vào công việc chung, vì mục tiêu, lợi ích chung của ASEAN cũng như nâng cao vị thế của mình.
Bây giờ, khi đã chính thức cầm “chiếc búa quyền lực” vừa được chuyển giao từ Thái Lan, Việt Nam tự tin sẽ tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN “với niềm tự hào và thực hiện giấc mơ của ASEAN, nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác để duy trì hòa bình, tự do, an ninh và thịnh vượng trong khu vực trong hiện tại và tương lai”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy trước lãnh đạo các nước thành viên.
25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào các công việc chung của Hiệp hội với tư cách một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Mốc son 25 năm gia nhập ASEAN sẽ càng có ý nghĩa hơn, là cơ hội để Việt Nam chứng minh vai trò và trách nhiệm của mình nhiều hơn với cộng đồng khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch lần thứ 2.
Chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm ASEAN 2020, Việt Nam mong muốn xây dựng một cộng đồng gắn kết và phát triển. Điều đó rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại. Khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ. Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ, lan tỏa ý thức và bản sắc cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân ASEAN.
NGUYỄN VÂN