Nhiều địa phương, doanh nghiệp có thế mạnh sản xuất, xuất khẩu nông sản đang kỳ vọng vào những thông tin hợp tác tích cực hơn nữa từ chuyến thăm nhiều ý nghĩa lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mỗi năm, Trung Quốc chi hơn 15 tỷ USD để nhập khẩu rau quả từ các nước. Trong đó, đứng đầu là Thái Lan, tiếp đến là Chile và Việt Nam. Với vị trí ở gần các chợ đầu mối nông sản lớn của Trung Quốc, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để tiếp tục tăng mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường tỷ dân này. Đơn cử như chỉ sau khi Trung Quốc cấp phép nhập khẩu cho sầu riêng đông lạnh, loại trái cây đặc sản này ngay lập tức đã lập kỷ lục khi tăng gần 8 lần so với năm ngoái.
Theo Bộ Công thương, tính chung 11 tháng năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta với kim ngạch ước đạt 56 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới cơ bản không bị ách tắc kể cả lúc cao điểm. Trung Quốc là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương trong khi các thị trường lớn khác đều giảm. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường này cũng có sự đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang tăng 6,2% sau 11 tháng năm 2023, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Riêng mặt hàng rau quả, đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đạt 3,18 tỷ USD, tăng đến 164% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng từ 44% năm 2022 lên 66% trong năm 2023. Trong khi thị trường Mỹ chỉ đạt 212 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; tỷ trọng từ 8% giảm xuống còn 4,4%.
Tính đến hết tháng 11, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam cũng có xu hướng dịch chuyển dần sang đất nước tỷ dân này. Xuất khẩu rau quả đang chiếm ưu thế trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Ngay như thủy sản cũng dịch chuyển mạnh từ Mỹ sang thị trường này.
Với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vô cùng tiềm năng cho các đối tác xuất-nhập khẩu của Việt Nam, nhất là khi người dân nước này có thu nhập cao và mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ, hàng hóa chất lượng cao ngày càng lớn. Kèm theo đó là thói quen tiêu dùng tương đồng với người Việt; quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển tốt đẹp sẽ mang lại nhiều tiềm năng phát triển tốt cho cả hai phía.
Còn nhớ mấy năm trước, giữa lúc nhiều người tỏ ra vui mừng khi nhãn, chôm chôm hay vải thiều, xoài của Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu sang Úc, Nhật… ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã không hề giấu giếm rằng vẫn quyết định giữ mối làm ăn với Trung Quốc. Sau hơn chục năm mở rộng diện tích sản xuất với hàng chục ngàn héc ta trên đất Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Hoàng Anh Gia Lai đã dần lấy lại phong độ nhờ vào xuất khẩu chuối, mít, sầu riêng, bưởi, cam…
Điều đó cho thấy, câu nói “Cái gì Trung Quốc đã chịu “ăn” thì chỉ sợ chúng ta không có sức để làm. Nếu làm thật tốt thì không lo gì không có đầu ra” là có lý. Lấy ví dụ chỉ riêng trong tháng 10 vừa rồi, Hoàng Anh Gia Lai đã xuất khẩu 39.100 tấn chuối và 442 tấn sầu riêng mang về doanh thu 410 tỷ đồng, chủ yếu qua thị trường Trung Quốc.
Thị trường rộng mở, làm ăn với Trung Quốc là hướng đi, là xu hướng tất yếu của nhiều địa phương, doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất, xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, nông dân cũng cần bình tĩnh tìm hiểu và nắm bắt thông tin tốt hơn về thị hiếu, nhu cầu, xu hướng tiêu dùng, các tiêu chuẩn về an toàn vùng trồng; cần hiểu rõ các quy định xuất-nhập khẩu của Trung Quốc để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, bao bì… tránh tình trạng hàng hóa bị trả lại do vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm hay chất lượng không đạt. Việc ồ ạt chuyển đổi diện tích sang trồng sầu riêng ở một số địa phương nếu không kiểm soát tốt sẽ rất dễ gây hệ lụy trong tương lai.