Biển đảo Việt Nam

Côn Đảo xưa và nay...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Côn Đảo được coi là “địa ngục trần gian” và cũng là nơi ghi dấu bao trang đời huyền thoại của những liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Sau 40 năm giải phóng, Côn Đảo vẫn vẹn nguyên là chứng tích lịch sử về những quá khứ bi hùng và đau thương, là đỉnh cao về khí phách đấu tranh kiên cường và lòng dũng cảm của các chiến sĩ cộng sản.

Tri ân những người dưới mộ

Sau 40 năm kể từ ngày Côn Đảo giải phóng, quá khứ không thể ngủ yên bởi những mất mát quá lớn. Hàng loạt công trình kiến trúc ở Côn Đảo vẫn còn đó như minh chứng một thời kỳ lịch sử đau thương. Nếu cầu tàu lịch sử 914 là nơi vùi 914 thân xác chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước đã chết vì tai nạn, khổ sai trong quá trình xây cầu dưới bàn tay tàn độc hà khắc của chúa đảo Rác Ty thì cầu Ma Thiên Lãnh mới chỉ nghe thôi cũng thấy ghê rợn đã “nuốt” hơn 300 mạng người yêu nước. Còn Trại giam Banh I (trại Phú Hải), Banh II (trại Phú Sơn), Banh III (trại Phú Thọ), Trại Phú Phong, Phú Bình là nơi giam cầm, tra tấn dã man hàng vạn chiến sĩ cộng sản.

 

Đoàn công tác bộ đội Hải quân viếng mộ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu. Ảnh: M.T

Địa điểm nổi tiếng ghê rợn nhất trong khu nhà tù này là “chuồng cọp” thời Pháp được xây dựng từ năm 1940. Với diện tích các phòng giam tổng cộng hơn 5.000 m2, được chia thành 120 phòng biệt giam có chắn song sắt phía trên, là nơi dùng để tra tấn các tù nhân với các hình phạt man rợ nhất lịch sử. Trong những phòng giam chật chội này, người tù phải nằm chen chúc chồng lên nhau dưới nền xi măng ẩm thấp. Cái lạnh thấu xương cộng với sự hôi hám dơ bẩn của nhà tù làm cho hàng ngàn chiến sĩ cộng sản và người yêu nước hy sinh tại đây bởi những vết thương lở loét nhiễm trùng.

Ngoài hệ thống “chuồng cọp”, Côn Đảo còn là nơi nổi tiếng để tra tấn tù nhân có tên gọi là “chuồng bò” được Pháp xây dựng năm 1930. Thực chất đây là hầm chứa phân bò. Độ sâu của hầm khoảng 3 mét, chứa đầy phân và nước rửa chuồng bò. Tại đây, những người tù cộng sản bị thực dân Pháp và Mỹ dìm người trong chuồng bò. Đây là kiểu tra tấn cực kỳ dã man chưa hề có trong tiền lệ lịch sử.

Như một lẽ thiêng liêng tự nhiên, ai đến Côn Đảo lần đầu hay nhiều lần khác nữa, việc đầu tiên là đến Nghĩa trang Hàng Dương thắp nén hương tưởng niệm viếng các anh hùng liệt sĩ. Có một điều đặc biệt khi viếng Nghĩa trang Hàng Dương thường viếng khi trời tối hoặc về khuya, vì đó là lúc đất trời giao hòa, giao linh giữa người đang sống và người đã khuất. Và đó như một điều linh thiêng được truyền từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Chúng tôi viếng nghĩa trang trong sự thành kính nghiêm trang. Không một tiếng động, chỉ có tiếng nấc nghẹn ngào xúc động xót thương cho các anh linh liệt sĩ chôn chặt dưới nấm mộ sâu.

Côn đảo ngày mới

Đến Côn Đảo hôm nay, cảm nhận đầu tiên của mỗi người là cuộc sống thanh bình. Nước biển xanh ngăn ngắt, không khí trong lành, những bãi cát trắng mịn trải dài bất tận, màu xanh ngút ngàn của rừng núi làm cho mỗi người quên hết mọi ưu tư, phiền muộn, nhọc nhằn.

Lòng chợt bình yên đến lạ lùng khi dạo bước dưới hàng cây cổ thụ, lang thang dọc theo bờ tường đá rêu phong, men theo con đường trải nhựa thênh thang uốn lượn dọc theo bờ biển, hay ung dung trên bãi đá lộng gió phía Cầu tàu 914 lịch sử. Tôi tự hỏi: Thiên đường du lịch hay “địa ngục trần gian”? Câu trả lời cho sự khám phá của khách du lịch là: Hôm qua là “Địa ngục trần gian”. Hôm nay là thiên đường du lịch.

Đến Côn Đảo hôm nay, du khách còn được nếm thử hạt bàng sấy khô. Người dân địa phương tách trái bàng khô lấy nhân, đem rang với muối hoặc đường đóng gói rồi bán cho du khách. Không thể không lặn dưới mặt biển để ngắm rặng san hô lấp lánh đủ sắc màu dưới đáy đại dương hoặc xem rùa đẻ trứng khi hoàng hôn buông xuống, hoặc leo núi, xuyên rừng xem khỉ ra chặn đường và những cặp chim ưng hót vang dậy cả một vùng rừng núi. Chị Nguyễn Thị Thu Ba-một nông dân ở đây, cho biết: “Để xe máy dọc đường hôm nay, tuần sau vẫn còn nguyên vẹn. Ở đây chẳng bao giờ có tai nạn hay ùn tắc giao thông, đường sá lúc nào cũng vắng lặng. Cuộc sống của người dân Côn Đảo cũng yên bình không gấp gáp như ở đất liền”.

Khác với nơi mua bán sầm uất, bon chen ở đất liền, chợ Côn Đảo thanh bình đến lạ kỳ. Người mua không trả giá, người bán không nói thách. Đến chợ Côn Đảo ngoài mua những sản phẩm đặc sản, còn để thư thái tâm hồn, được tiếp xúc với người dân bản xứ chân chất thật thà giàu lòng nhân ái.

Mai Thắng

Có thể bạn quan tâm