Tiếp tục hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ tin tưởng vào tiến trình hòa bình sẽ diễn ra sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu trong buổi họp báo ngày 13-6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã giảm sau hội nghị thượng đỉnh này, dù các vấn đề Triều Tiên không phải dễ dàng có thể giải quyết trong một cuộc họp.
Theo quan chức này, Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ một phần chi phí ban đầu cho tiến trình phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên.
Trước đó, ngày 12-6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore là một "hội nghị thượng đỉnh lịch sử."
Tuyên bố của ông Jens Stoltenberg nêu rõ: "NATO ủng hộ mạnh mẽ tất cả các nỗ lực đưa đến đích cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Ngoại giao Thái Lan hoan nghênh: “Cuộc gặp thượng đỉnh mở ra kỷ nguyên mới này phản ánh cam kết mạnh mẽ của hai nhà lãnh đạo nhằm đạt được nền hòa bình, sự ổn định và sự thịnh vượng bền vững cho bán đảo Triều Tiên với việc phi hạt nhân hóa là bước đi then chốt”.
Thái Lan cũng bày tỏ “hy vọng mãnh liệt rằng tất cả các bên liên quan sẽ nỗ lực tối đa nhằm đạt được các mục tiêu trên vì lợi ích của khu vực và thế giới”.
Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã hoan nghênh cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo, nhận định đây là “một tín hiệu tốt lành cho thế giới, nếu các nhà lãnh đạo có thể thực hiện những gì họ đã nhất trí với nhau”.
Thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: "Đây là bước đi đầu tiên quan trọng trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên."
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau lễ ký văn kiện. (Nguồn: AFP) |
Trong khi đó, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đánh giá tuyên bố chung ký kết tại Singapore chứa đựng nền tảng cho việc đạt được nền hòa bình vĩnh viễn giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng bảo đảm an ninh và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông, diễn biến quan trọng này sẽ góp phần loại bỏ căng thẳng nhiều năm qua tại khu vực.
Bộ Ngoại giao Nepal bày tỏ tin tưởng động lực tạo ra từ sự kiện này sẽ được duy trì và những cam kết trong tuyên bố chung sẽ được thực thi nhằm mở ra con đường cho nền hòa bình và ổn định lâu dài.
Đánh giá cao các cam kết của hai nhà lãnh đạo, Bộ Ngoại giao Brazil cũng bày tỏ hy vọng hội nghị này sẽ tiếp tục tiến triển tích cực nhằm góp phần cho hòa bình và an ninh.
Nhiều quốc gia châu Âu cũng bày tỏ vui mừng trước các diễn biến trên, Tổng thống Slovenia Borut Pahor nhận định hai nhà lãnh đạo đã cùng thực hiện các bước đi lịch sử hướng tới hòa bình và an ninh.
Cùng quan điểm với Tổng thống Pahor, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh cuộc gặp là bước đầu tiên trên con đường đúng đắn dẫn đến những kết quả rõ ràng và khả thi.
Cho rằng cuộc họp là "sự bắt đầu của một tiến trình dài," Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini nhận định tiến trình từ đây sẽ rõ ràng và hy vọng sẽ dẫn đến một thỏa thuận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Séc Andrej Babis đánh giá cuộc gặp diễn ra tích cực, và bày tỏ hy vọng mọi vấn đề sẽ được giải quyết và "tránh được mối đe dọa chiến tranh âm ỉ" tại khu vực.
Đánh giá về kết quả của cuộc gặp, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wojciech Skurkiewicz nhận định tuyên bố chung đã đưa ra những "thông tin vô cùng quan trọng" và hy vọng tuyên bố sẽ biến thành hành động.
Người phát ngôn Chính phủ Cyprus bày tỏ hài lòng với tuyên bố chung của Mỹ và Triều Tiên, nhận định việc cải thiện các mối quan hệ quốc tế là lợi ích của toàn thế giới.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc hội đàm lịch sử tại Singapore ngày 12-6.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên, trong đó hai bên cam kết thiết lập quan hệ song phương mới, xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, duy trì đà đối thoại hiện nay và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để đổi lấy đảm bảo an ninh của Washington đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hai bên không đặt ra thời hạn cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa
Theo TTXVN/Vietnam+