Multimedia

Emagazine

E-magazine Cuộc hạnh ngộ của những cây cọ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ý tưởng tổ chức hoạt động ý nghĩa này là của nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, người truyền lửa cho thế hệ kế cận bằng tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và say mê. Nữ họa sĩ chia sẻ, bà mong muốn tạo ra sự kết nối, đồng điệu để từ đó khơi lên, tiếp thêm động lực sáng tạo cho mỗi người.

Tác giả Lê Xuân Hồng đến từ một trong những xã xa xôi nhất tỉnh (xã Kon Pne, huyện Kbang). Ảnh: Phương Duyên

Tác giả Lê Xuân Hồng đến từ một trong những xã xa xôi nhất tỉnh (xã Kon Pne, huyện Kbang). Ảnh: Phương Duyên

Đúng như chủ đề, triển lãm là lời vẫy gọi người thưởng lãm đến với miền đất đỏ cao nguyên. Bằng đủ các chất liệu: sơn dầu, sơn mài, acrylic, khắc gỗ, lụa, tổng hợp... các tác phẩm khắc họa vẻ đẹp đa sắc của vùng đất cao nguyên đầy nắng gió và đậm sắc màu văn hóa. Vẫn là Tây Nguyên đó thôi, nhưng sự chuyển tải đầy nữ tính của các cây cọ đã khiến khung cảnh càng đậm chất trữ tình, mê tưởng.

Các cây cọ nữ cũng là người sưởi ấm mỗi nếp nhà, vì thế, sự ấm áp ấy hiện lên rõ nét trong những tác phẩm về gia đình, trẻ thơ. Đó là: Lời ru trên nương, Hạnh phúc (Nguyễn Thị Hiền); Giấc mơ tuổi thần tiên (Nguyễn Thị Hoa); Chiều tuổi thơ (Nguyễn Thị Thu Hiền); Những bước chân vui, Vui lên rẫy gùi đầy ngô (Châu Thị Ái Vân)… Vì sao người ta thường dừng chân khá lâu trước những bức vẽ về trẻ thơ? Là bởi màu sắc tươi sáng, sự trong trẻo của thế giới hồn nhiên ấy sẽ đưa họ ngược về miền ký ức đời người.

Mỗi tác phẩm là một góc nhìn riêng về cái đẹp, dù còn non tay hay đạt độ chín trong sự nghiệp cũng đều đáng quý khi cùng hòa sắc trong lần đầu có mặt tại triển lãm nhóm lần này. Quan trọng hơn, nghệ thuật của sắc màu đã là điểm tựa của không ít tác giả trong những thời điểm khó khăn nhất, thậm chí là bế tắc.

Tìm lại niềm vui bên giá vẽ sau 5 năm bỏ quên vì những biến cố, tác giả Hồ Thị Mỹ Hạnh bày tỏ: “Ai cũng có những khó khăn riêng và ai rồi cũng phải vượt qua”. Rồi chị kể, năm 2014, chị tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật (Đại học Sư phạm Hà Nội). Vừa đi dạy tại một trường ở huyện Chư Păh, chị vừa dành thời gian sáng tác. Năm 2015, chị có tác phẩm được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên. Nhưng không ngờ, chỉ 2 năm sau đó, nhiều biến cố liên tục xảy ra: chồng phải chạy thận, con trai 9 tháng tuổi mất do bệnh tật, tiếp đó, chị bị gãy chân do tai nạn giao thông. Chị Hạnh nghỉ dạy do phải mất khoảng thời gian khá dài để phẫu thuật và hồi phục. Khủng hoảng nhiều mặt khiến chị xếp hẳn giá vẽ vào một góc suốt 5 năm. Để có thu nhập, chị chuyển sang bán hàng online. 5 năm im vắng, 5 năm bị bao vây bởi nỗi chán chường. Và khi đã “chạm đáy” nỗi buồn, chị chợt nhận ra mình vẫn yêu nghề và luôn khát khao được vẽ trở lại.

Và, bức tranh khắc gỗ mang tên “Thổn thức” (khổ 80 x 110 cm) lấy bối cảnh đó, được hoàn thành sau đó không lâu đã đánh dấu sự trở lại đầy nghị lực của nữ tác giả trong làng mỹ thuật. Tác phẩm được gửi đến triển lãm nhóm như một lời giãi bày khiêm nhường cùng mong muốn học hỏi từ đồng nghiệp.

Cũng quay lại sau khoảng thời gian gần nửa năm không thể tiếp tục cầm cọ là nữ họa sĩ Nguyễn Nguyên Bút-giáo viên Mỹ thuật tại một trường học ở huyện Đak Đoa, người liên tục có tác phẩm được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên từ năm 2015 đến nay. Đầu năm 2023, sau một sự cố khiến ngón cái của bàn tay phải bị hoại tử, có khả năng phải cắt bỏ, chị gần như suy sụp. Với một phụ nữ, đây là điều rất khó chấp nhận. Chưa kể, một họa sĩ mất ngón tay chủ lực để cầm cọ đồng nghĩa với việc nói lời chia tay giá vẽ.

Nữ họa sĩ Nguyễn Nguyên Bút và học trò. Ảnh: Phương Duyên

Nữ họa sĩ Nguyễn Nguyên Bút và học trò. Ảnh: Phương Duyên

May thay, với sự can thiệp của một bác sĩ giỏi, chị giữ lại được ngón tay và đang trong quá trình hồi phục. Dù chịu những cơn đau nhức khi tập vẽ trở lại, thậm chí có lúc phải vẽ bằng tay trái nhưng chị vẫn tự động viên bản thân vượt qua.

Không dễ để sống được với thu nhập từ hội họa, song vẫn có một số tác giả tạo dựng được “thương hiệu”, có nhiều tác phẩm được giới sưu tập tranh trong và ngoài tỉnh săn đón. Một trong số này là Châu Thị Ái Vân. Vừa duy trì vai trò của một giáo viên Mỹ thuật tại huyện Mang Yang, chị vừa theo đuổi quyết liệt dòng tranh sơn mài. Ái Vân cũng là người nhiều năm liên tục có tác phẩm tham gia triển lãm khu vực. Được xem là “họa sĩ của trẻ thơ” khi chuyên tâm với chủ đề này, chị lý giải: “Ai cũng từng mong ước trở về với tuổi thơ. Những bức tranh như thế khiến người xem thấy vui tươi, nhẹ nhõm”. Chị vẽ các bạn nhỏ Tây Nguyên vào rừng, lên rẫy; hay vẽ chính mơ ước tuổi thơ mình, đó là được… lên ngọn cây ngắm diều bay, chơi nhảy dây. Sự gặp gỡ về cảm xúc đã khiến nhiều nhà sưu tập đặt mua tranh của chị, kể cả một số gallery ở Hà Nội.

Không ít người yêu hội họa chờ đón triển lãm lần này để thưởng thức tác phẩm của nữ họa sĩ Mai Thị Kim Uyên, người vừa tổ chức thành công triển lãm “Những cô gái đỏng đảnh” tại TP. Hồ Chí Minh. Hơn một nửa trong số 27 tác phẩm trưng bày đã được các nhà sưu tập “đón” về cho thấy sức hút của nữ họa sĩ trẻ này. Với sự bay bổng về cảm xúc, hiện đại trong cách thể hiện trên chất liệu sơn mài truyền thống, Kim Uyên đã chọn bước đi trên một con đường sáng tạo rất riêng.

Nữ họa sĩ Mai Thị Kim Uyên bên một tác phẩm. Ảnh: Phương Duyên

Nữ họa sĩ Mai Thị Kim Uyên bên một tác phẩm. Ảnh: Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm