Thời sự - Bình luận

Đại đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn của sức mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”.

Càng trong gian khó, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc càng trỗi dậy mạnh mẽ. Bác nói: “Nhờ đại đoàn kết mà Nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến đến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nước Việt Nam chúng tôi nhất định sẽ thống nhất”.

Lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương giúp người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) di dời nhà ở. Ảnh: Phan Nguyên

Và thực tiễn đã chứng minh bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Bắc-Nam sum họp một nhà. Bước vào thời bình, cộng đồng các dân tộc trong cả nước cùng nhau đoàn kết, bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng nước nhà ngày càng giàu mạnh. Có được thành quả như ngày hôm nay, nền tảng cốt lõi chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đảng luôn coi đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng, là cội nguồn sức mạnh của mọi thành công. Qua các kỳ đại hội Đảng, quan điểm ấy càng được củng cố và mở rộng, song tựu trung đều chỉ ra rằng: Đoàn kết là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với 2 cuộc kháng chiến trường kỳ thì đại đoàn kết toàn dân còn đem lại sự thành công của công cuộc đổi mới kinh tế đất nước, xóa bỏ tình trạng nghèo đói. Chính tinh thần đoàn kết dân tộc đã giúp Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Tại Gia Lai, 44 dân tộc anh em đã phát huy truyền thống đại đoàn kết, chung tay xây dựng tỉnh nhà ngày càng khởi sắc. Trong các thành tựu đó phải kể đến sự chung sức, đồng lòng trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Giai đoạn 2019-2024, người dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến 529.908 m2 đất, đóng góp gần 300 ngàn ngày công và trên 120,8 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Vận động các nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được 88,882 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 796 căn nhà “Đại đoàn kết”, sửa chữa 282 căn nhà, thăm hỏi và tặng hàng ngàn suất quà cho hộ nghèo, gia đình khó khăn...

Cùng với đó, nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư được thành lập, duy trì và nhân rộng, phát huy vai trò của người dân cũng như tinh thần đoàn kết trong phòng-chống ma túy, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ gìn bản sắc văn hóa… Hàng trăm mô hình nông hội, tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập, kết nối nông dân để cùng nhau phát triển kinh tế. Gần đây nhất, người dân trong tỉnh đã đóng góp hỗ trợ đồng bào miền Bắc khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Nổi bật hơn cả là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Hiện thực hóa Chỉ thị số 13, từ các sở, ngành đến phòng, ban, đơn vị cấp cơ sở đều tổ chức kết nghĩa với các thôn, làng tại địa phương. Từ đó, cam kết giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo và giúp thôn, làng khó khăn từng bước vươn lên bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Trong tháng 11 này, các thôn, làng, tổ dân phố rộn ràng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Qua 20 năm triển khai thực hiện, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã đi vào nền nếp, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia của người dân. Mọi người cùng nhau dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm và thể hiện những nét văn hóa đặc sắc để ngày hội thêm phần đặc sắc, rộn ràng. Đây còn là dịp để các khu dân cư đánh giá lại quá trình thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Qua đó góp phần củng cố, tăng cường gắn kết, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, “tương thân, tương ái” trong cộng đồng; động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự… Và chắc chắn rằng, sau mỗi ngày hội được tổ chức thành công, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh lại càng thêm gắn kết bền chặt.

Có thể bạn quan tâm