Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 với chuỗi hoạt động mở rộng từ trung tâm TP. Pleiku đến các địa phương lân cận là dấu ấn nổi bật trong năm. Trong đó, thành công rực rỡ của Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai là hoạt động nổi bật trong chuỗi sự kiện này.
Sau 5 năm kể từ lần gần nhất Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên diễn ra tại Gia Lai, các nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên mới lại có một cuộc hội ngộ, thăng hoa cùng di sản âm nhạc cồng chiêng. Sự kiện này một lần nữa khẳng định giá trị độc đáo, sức sống của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong dòng chảy thời gian. Có người ví Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên như một bản giao hưởng tuyệt đẹp, đọng lại dư âm khó quên ngay cả khi đã kết thúc. Thông qua sự kiện này, Gia Lai tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối văn hóa giữa các tỉnh Tây Nguyên sau gần 20 năm không gian văn hóa cồng chiêng được UNECSO vinh danh.
Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ II-2023 cũng là sự kiện mang đậm dấu ấn với sự quy tụ của đông đảo nghệ nhân trong tỉnh. Những người dân từ các buôn làng xa xôi đã mang hết tinh hoa trong di sản văn hóa được trao truyền và kế thừa để giới thiệu với công chúng thông qua việc phục dựng các lễ hội truyền thống, trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; trình diễn tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm; trưng bày, giới thiệu đặc sản, ẩm thực địa phương. Ngày hội là hoạt động quan trọng để đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa tại cộng đồng.
Năm 2023 cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi Gia Lai có nhiều hoạt động văn hóa tham gia các sự kiện trong nước và quốc tế. Tại hội diễn “Đàn, hát dân ca 3 miền” toàn quốc tổ chức tại Nghệ An, đoàn nghệ thuật quần chúng của tỉnh đã thắng lớn với 1 huy chương vàng chương trình toàn đoàn, 1 huy chương vàng tiết mục hát đồng dao, 2 huy chương bạc tiết mục hát giao duyên và dân ca.
Tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tổ chức tại Kon Tum, đoàn Gia Lai để lại ấn tượng về “sự chuyên nghiệp, giàu bản sắc”, đạt kết quả cao trong tất cả các hoạt động tham gia gồm: 2 giải A và 2 giải B nội dung “Liên hoan văn nghệ quần chúng”; giải B “Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương”; giải A “Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc”; giải B “Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống”, giải B “Trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống” và giải nhì toàn đoàn nội dung thể thao.
Tháng 11-2023, đoàn nghệ nhân Bahnar, Jrai tham gia Liên hoan dân ca do Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Qua sự kết nối của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) và Trung tâm Xúc tiến di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH), đoàn đã có 2 buổi diễn tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và dọc tuyến phố ven Hồ Gươm. “Cơn địa chấn” mang tên cồng chiêng Tây Nguyên giữa lòng Thủ đô Hà Nội để lại những cảm xúc quá mạnh, không thể nào quên” là những gì nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói về 2 buổi diễn “Ngẫu hứng đại ngàn” của đoàn cồng chiêng Gia Lai.
Năm 2023, cồng chiêng Gia Lai còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia để âm vang trên sân khấu âm nhạc thế giới. 14 nghệ nhân Jrai đã có chuyến biểu diễn thành công tại Lễ hội Âm thanh thế giới Jeonju trên đất Hàn Quốc. Là người trực tiếp dẫn đoàn nghệ nhân, Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: “Phần đông khán giả hết sức ngạc nhiên khi lần đầu tiên được chứng kiến dàn cồng chiêng độc đáo và sự phong phú của các nhạc cụ tre nứa đến từ vùng đất Bắc Tây Nguyên, Việt Nam. Nhiều khán giả đã cảm động và hết sức ngạc nhiên khi biết rằng các nghệ nhân của đoàn Gia Lai không phải là “dân chuyên nghiệp” mà chỉ là những người nông dân đam mê âm nhạc, quen việc ruộng rẫy, chưa từng bước lên sân khấu lớn như vậy”.
Nhiều món ăn tinh thần phong phú khác cũng làm nức lòng người dân. Trong đó phải kể đến chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi” và không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” do UBND tỉnh phối hợp cùng các cá nhân, đơn vị tổ chức. Trong khi đó, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” diễn ra vào tối thứ bảy hàng tuần tại Quảng trường Đại Đoàn Kết và “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển” diễn ra vào sáng chủ nhật hàng tuần là sáng kiến của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trong nỗ lực bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai.
Năm 2023 còn đánh dấu những sự kiện vô cùng ý nghĩa trong lĩnh vực văn hóa của tỉnh. Đó là thành công của 2 lớp truyền dạy chỉnh chiêng theo phương pháp mới của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh. 20 nghệ nhân Bahnar và 26 nghệ nhân Jrai được tiếp cận kỹ thuật chỉnh chiêng bằng phương pháp khoa học chứ không chỉ dựa trên kinh nghiệm như trước kia, đồng thời có thể truyền dạy lại cho cộng đồng theo phương pháp mới. Ý nghĩa quan trọng của hoạt động này đó là trao phương pháp cho cộng đồng để bảo vệ và phát huy tinh hoa di sản cồng chiêng một cách bền vững.
Ngoài ra, 4 nghệ nhân ưu tú người DTTS có nhiều đóng góp trong việc phổ biến, trao truyền vốn văn hóa truyền thống trong cộng đồng được trao kinh phí hỗ trợ mỗi cá nhân 52 triệu đồng. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh đóng góp của các nghệ nhân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; đồng thời khuyến khích những “báu vật nhân văn” có thêm nhiều hoạt động, sáng tạo trong việc trao truyền văn hóa cho các thế hệ kế cận. Cùng với đó, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 được UBND tỉnh phê duyệt mang đến luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn di sản trong bối cảnh hiện nay.
Các hoạt động, sự kiện trong năm 2023 cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của người dân.
Còn nghệ nhân Rah Lan Ven (huyện Chư Păh) thì cho biết: “Nhiều bà con từ trước tới nay chỉ ở làng, giờ được tạo điều kiện biểu diễn trong chương trình cồng chiêng cuối tuần, ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên tại Kon Tum. Chưa khi nào tôi thấy tinh thần tập luyện, trau chuốt cho từng điệu múa, lời hát ru lại được bà con chú trọng như thế trước mỗi chuyến biểu diễn. Ai cũng vui, cũng tự hào, mong nét đẹp văn hóa của dân tộc mình được giới thiệu, được chú ý. Bản thân tôi cũng nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm thêm nhiều bài dân ca để làm phong phú thêm các tiết mục biểu diễn. Từ những hoạt động như vậy, nhiều giá trị văn hóa cũng dần được hồi sinh”.
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho rằng: “Năm 2023 đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của tỉnh. Đây cũng là kết quả đánh dấu sự thay đổi nhận thức rất lớn của chính quyền các địa phương về vai trò và sức mạnh của văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Hàng loạt lễ hội văn hóa-du lịch, ngày hội văn hóa các dân tộc tại cộng đồng được các địa phương duy trì, tổ chức đã tạo môi trường để văn hóa đi vào đời sống người dân. Lĩnh vực văn hóa tạo nhiều dấu ấn, trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh nhà”.