Những thông tin này cho thấy, ngành du lịch phục hồi rất mạnh mẽ, thậm chí tổng thu còn vượt năm 2019, là thời điểm du lịch làm ăn phát đạt trước dịch COVID-19. Ngành du lịch Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực rất gay gắt, vượt lên được một nước đòi hỏi nỗ lực rất lớn.
Những nỗ lực đó đến từ các cơ quan thiết kế chính sách và từ sự sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp làm du lịch.
Vừa qua, Việt Nam đã thay đổi chính sách về visa và thời gian lưu trú của khách quốc tế, kéo dài từ 30 lên 90 ngày, thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực cũng được nâng từ 15 lên 45 ngày. Đây là một chính sách phù hợp và kịp thời để thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút du khách nước ngoài.
Về phía các địa phương, đã xuất hiện những sản phẩm du lịch độc đáo, các sự kiện đầy sự sáng tạo để giới thiệu, quảng bá du lịch.
Điển hình như Đà Nẵng, tiếp nối Lễ hội pháo hoa quốc tế 2023, địa phương công bố Lễ hội tận hưởng mùa hè 2023 - “Wow Đà Nẵng” với nhiều hoạt động mới lạ và ấn tượng.
Mới đây, Khánh Hòa tổ chức sự kiện Festival biển 2023 với hơn 60 hoạt động, sự kiện văn hóa - nghệ thuật nhằm quảng bá du lịch. Độc đáo nhất là phần trình diễn ánh sáng kết hợp 1.653 drone (phương tiện bay không người lái) trong đêm khai mạc, giúp du khách hiểu hơn về Nha Trang - Khánh Hòa qua ngôn ngữ ánh sáng.
Tháng 6 vừa qua, Thừa Thiên - Huế tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, thu hút sự quan tâm của người dân trong nước và khách quốc tế.
Mỗi địa phương đều có sáng kiến, sáng tạo, tổ chức được nhiều sự kiện, đưa ra được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thì mới có được sự bừng sáng một hình ảnh Việt Nam hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.
Nhưng phong cảnh đẹp, sản phẩm du lịch tuyệt vời mới chỉ một nửa công việc để thu hút du khách, phần còn lại là môi trường ít ô nhiễm, sạch sẽ không rác, vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, không chặt chém du khách. Việc này phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực quản lí của lãnh đạo các địa phương.
Những vụ giật ví, máy ảnh, điện thoại của du khách hoặc bắt chẹt giá taxi, xích lô chính là “giết” ngành du lịch.