Ảnh minh hoạ: Internet |
Một trong những giải pháp quan trọng được Chính phủ xác định là nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công được xác định là động lực của tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh một số động lực quan trọng khác bị suy giảm hoặc tăng trưởng thấp.
Vì vậy, nguồn vốn đầu tư công luôn được Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí sớm ngay từ đầu năm nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương có cơ sở chủ động tính toán, phân bổ kịp thời cho các chương trình, dự án theo kế hoạch, nhất là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia...
Nhờ nguồn vốn này mà mấy năm gần đây, nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã hoàn thành và đưa vào khai thác như 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông, các đoạn, tuyến cao tốc khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ… nâng tổng chiều dài đường cao tốc đã khai thác trong cả nước lên gần 2.000 km. Nhiều sân bay, cảng biển được đầu tư mở rộng, nâng công suất phục vụ, góp phần kích thích xuất-nhập khẩu, du lịch phát triển mạnh.
Tiềm năng, thế mạnh của các địa phương được giải phóng, không gian liên kết vùng và khu vực được mở rộng, tạo động lực để kinh tế nhanh chóng phục hồi, phát triển sau mấy năm chững lại vì tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Bây giờ thì người dân đã quá quen với hình ảnh Thủ tướng Chính phủ hôm nay có mặt ở Hà Nội, hôm sau đã thấy xuất hiện trên công trường xây dựng ở một tỉnh nào đó. Khi thì thăm hỏi, động viên công nhân làm đường cao tốc; khi thì đi kiểm tra, đôn đốc công nhân thi công đường dây 500 kV mạch 3; khi ngoài Bắc, lúc trong Nam, đi đâu Thủ tướng cũng đốc thúc các đơn vị khắc phục khó khăn, “vượt nắng thắng mưa”, “chỉ bàn làm không bàn lùi”, hoàn thành sớm các công trình với chất lượng cao nhất.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 26/CT-TTg nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu “kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, trì trệ, nhũng nhiễu; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công”.
Thái độ cương quyết của Thủ tướng cho thấy người đứng đầu Chính phủ rất sốt ruột vì đã đến giữa quý III mà cả nước mới giải ngân được gần 200.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1/3 tổng vốn đầu tư công được giao là 663.000 tỷ đồng năm 2024. Nghĩa là chúng ta chỉ còn hơn 1/3 thời gian để hoàn thành kế hoạch giải ngân 2/3 số vốn còn lại của năm nay. Đó là một thách thức rất lớn, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước trong nửa đầu năm mới đạt 29,39%
Gia Lai: Nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, phần thiệt sẽ thuộc về người thụ hưởng khi nhiều công trình, dự án sẽ đình trệ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị không đạt.
Vì vậy, cần tăng cường giám sát, đề cao tinh thần trách nhiệm công vụ, nhất là với người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương; phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, kiên quyết loại ra khỏi bộ máy những cán bộ né tránh, đùn đẩy, không dám làm, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn được giao, tiêu cực, nhũng nhiễu.
Có như thế mới mong tháo gỡ những ách tắc hiện nay để hoàn thành kế hoạch giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm nay, để dòng vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế; thực sự trở thành đòn bẩy cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của các địa phương và cả nước; hoàn thành mục tiêu có thêm khoảng 1.200 km cao tốc trong năm 2025, thực hiện thắng lợi đợt thi đua “500 ngày đêm hoàn thành đưa vào khai thác 3.000 km đường cao tốc” như Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa phát động hôm 18-8, để đường về với biển của các tỉnh Tây Nguyên ngày một gần hơn và rộng mở hơn.