(GLO)- Mới vào hè nhưng đã liên tục xảy ra nhiều vụ đuối nước cướp đi sinh mạng nhiều trẻ em. Mặc dù Chính phủ đã có Chương trình phòng-chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có phòng tránh đuối nước, nhưng những vụ đuối nước thương tâm vẫn cứ xảy ra.
Các địa phương cần quan tâm xây dựng trung tâm thể thao, trong đó có bể bơi đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu học bơi và vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi. Ảnh: Phương Tú |
Một vụ đuối nước thương tâm xảy ra chiều 31-5 vừa qua làm 4 nữ sinh lớp 7 ở huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) tử vong. Năm ngoái, theo Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Chỉ trong 2 tuần đã xảy ra 7 vụ đuối nước làm 10 cháu nhỏ tử vong. Xa hơn, báo Gia Lai ngày 24-10-2018 đưa tin: 10 tháng năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 57 vụ đuối nước thương tâm làm 73 trẻ tử vong.
Không riêng gì Gia Lai mà trên phạm vi cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Cùng với thông tin phòng-chống Covid-19, những dòng tin về trẻ em bị đuối nước trên khắp các tỉnh, thành đang làm nhói lòng các bậc làm cha làm mẹ và tất cả những ai quan tâm đến trẻ em. Vì dịch bệnh, phải học trực tuyến, được nghỉ hè sớm, các em như chim sổ lồng, thường rủ nhau đi tắm, chơi đùa trên vùng sông nước. Mải vui đùa, lại thiếu kỹ năng bơi lội nên khi sa chân vào vùng nước sâu, bị sóng cuốn ra xa... thì khó tránh khỏi tai nạn. Đặc biệt, nạn nhân là anh chị em ruột trong một gia đình, là bạn học trong cùng lớp, cùng trường.
Một nghiên cứu của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu thực hiện tại 8 tỉnh, thành của Việt Nam cho thấy: 66% trẻ tử vong do đuối nước vào mùa nắng nóng, 16% vào mùa mưa bão. Nhiều nhất là vào 3 tháng nghỉ hè.
Làm gì để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ, để các em có những ngày nghỉ vui tươi, an toàn là câu hỏi đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Trước khi vào hè, từ Chính phủ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chính quyền các địa phương đều có chỉ thị yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng tránh đuối nước trẻ em. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc phòng tránh đuối nước.
Bảo vệ an toàn cho trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cần mở nhiều hơn các lớp tập bơi cho trẻ em. Trong đó, có những lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, giúp các em có kỹ năng bơi lội để có thể chủ động xử lý được các tình huống khi tham gia hoạt động vui chơi trên vùng sông nước. Chương trình giáo dục thể chất cần đầu tư trang-thiết bị, cơ sở vật chất để dạy bơi cho học sinh. Các địa phương cần quan tâm xây dựng trung tâm thể thao, trong đó có bể bơi đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu học bơi và vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi.
Mùa hè năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên học sinh được nghỉ hè sớm, phụ huynh cần quan tâm, giám sát con em mình nhiều hơn, không để trẻ tự ý rủ nhau chơi đùa ở những địa điểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Nhà có giếng nước, bể nước... cần phải có nắp đậy, vật che chắn vững chắc, phòng tránh việc trẻ em mải vui đùa, chẳng may bị ngã xuống, dẫn tới tai nạn. Khi cho trẻ em đi tắm ở những nơi có vùng nước sâu, cần trang bị cho trẻ (kể cả những em đã có kỹ năng bơi lội) phao bơi hoặc vật dụng có khả năng phòng tránh đuối nước.
Việt Nam đang đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, 90% trẻ em cả nước có kỹ năng kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích, 50% trẻ em biết bơi. Mục tiêu ấy cần có sự chung tay của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên trách trong việc kiểm tra, rà soát, kịp thời cảnh báo và khắc phục ngay các địa điểm, công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn... không để xảy ra những vụ tai nạn thương tích, đuối nước thương tâm cho trẻ em.
ĐÌNH CƯƠNG