Thời sự - Bình luận

Dẹp bằng cấp hình thức, trọng năng lực thực chất của công chức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Trước đây tôi đã nói khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải có 7 văn bằng, chứng chỉ thì nay tập trung chủ yếu vào trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và trình độ quản lý nhà nước. Đây là 3 chứng chỉ cơ bản khi đề bạt bổ nhiệm cán bộ, còn văn bản chứng chỉ khác chỉ phục vụ quá trình đào tạo tiếp theo”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 9.11 liên quan đến vấn đề chứng chỉ, bằng cấp.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về ngạch công chức, viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, mà chỉ quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trên các kỳ thi trên máy vi tính.

Lâu nay, việc quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là nguyên nhân phát sinh những cái “chợ” chứng chỉ của hai loại này. Nhiều trường đại học, trung tâm tin học, ngoại ngữ khai thác nhu cầu mua bằng của thị trường, sản xuất và bán bằng rất đắt đỏ. Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được bán như chợ rau.

Báo Lao Động ngày 21.5.2020 có bài “Phá đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả”, phản ánh một đường dây bán văn bằng, chứng chỉ giả của những cán bộ này là nhằm để bổ sung đầy đủ bằng cấp theo quy định trước khi có hoạt động kiểm tra, hoặc phục vụ cho việc lên chức. Giữa tháng 8.2019, Báo Lao Động đăng loạt bài “Thâm nhập đường dây gian lận chứng chỉ” phản ánh tình trạng tiêu cực trong hàng loạt kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ và tin học diễn ra tại nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Thực tế này cho thấy, quy định bằng cấp, chứng chỉ rất hình thức, mua để nộp là xong.

Hãy dẹp những quy định mang tính hình thức đó, nâng cao chất lượng của hệ thống hành chính theo mục tiêu cải cách hiện đại, số hóa, chính quyền điện tử thì chất lượng cán bộ công chức sẽ được nâng theo. Lúc đó, năng lực thực sự mới đáp ứng được công việc, bằng cấp, chứng chỉ đầy mình mà mù tin học thì coi như tự mình loại khỏi hệ thống.

Ngoại ngữ cũng vậy thôi, khi được giao công việc cần có trình độ ngoại ngữ tương ứng, nếu “nói tiếng Anh mỏi tay” thì cũng tự loại ở “vòng gửi xe”.

Tuyển con người theo bằng cấp giả dối thì phải trả giá bằng các sản phẩm hành chính công chất lượng thấp, thậm chí là dối trá. Cho nên, hãy thay đổi tư duy, từ đề cao bằng cấp hình thức sang chú trọng tài năng thực sự.

Và việc loại bỏ các loại bằng cấp chứng chỉ dối trá không chỉ là lời hứa, là nói suông, mà được quy định bằng những văn bản có giá trị pháp lý.

http://https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dep-bang-cap-hinh-thuc-trong-nang-luc-thuc-chat-cua-cong-chuc-853340.ldo

Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm