Multimedia

Emagazine

E-magazine Di sản văn hóa và du lịch tỉnh Gia Lai



Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Gia Lai có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là Campuchia và Lào. Địa hình đa dạng, khí hậu ôn hoà đã tạo cho Gia Lai có những thắng cảnh thiên nhiên hùng vỹ giữa đại ngàn như: Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác 50, núi lửa Chư Đang Ya, di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá (khu di tích khảo cổ học chứng minh nơi có dấu vết con người đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam-từ thời sơ kỳ Đá cũ, niên đại khoảng 80 vạn năm)... và hệ sinh thái động thực vật phong phú mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng.



Bên cạnh lợi thế nổi bật về tự nhiên, văn hóa của hai dân tộc thiểu số chiếm số đông tại Gia Lai là Jrai và Bahnar thực sự độc đáo, thể hiện rõ nét qua phong tục, tập quán, kiến trúc, lễ hội, âm nhạc, điêu khắc, văn học dân gian, ẩm thực, trang phục. Không gian văn hóa cồng chiêng-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, kết hợp cùng chuỗi di tích lịch sử và các địa điểm tâm linh tôn giáo đặc sắc đã tạo nên những thế mạnh riêng có để Gia Lai phát triển các loại hình: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa-lịch sử và du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.




Từ 2010 đến nay, Gia Lai đã tổ chức kiểm kê được 456 hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có 3 di sản được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, gồm: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi của người Bahnar (các huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro), Lễ Cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện).



Công tác bảo tồn chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm về ngữ văn dân gian, từ điển được cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản

Gia Lai đã tổ chức nhiều lớp dạy chỉnh chiêng, tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm... cho các học viên người Bahnar, Jrai; một số nghi lễ/lễ hội dân gian được phục dựng; các đoàn nghệ nhân Bahnar, Jrai luân phiên tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hoá, văn nghệ truyền thống trong và ngoài nước.



Toàn tỉnh có 32 Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được Chủ tịch nước vinh danh. 

Gia Lai có 41 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng, gồm: 1 quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo với 9 di tích/cụm di tích và di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 7 di tích quốc gia và 24 di tích, cụm di tích cấp tỉnh; có 2 hiện vật, bộ hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên (năm 2017) và Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê (năm 2023).


Có thể bạn quan tâm