Biển đảo Việt Nam

Điểm tựa giúp ngư dân yên tâm bám biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 500 lượt ngư dân gặp nạn trên biển đã được cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa Lớn kịp thời ứng cứu và 450 lượt tàu cá được hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm khi hành nghề trên ngư trường truyền thống đã góp phần không nhỏ giúp ngư dân yên tâm bám biển.
 
Vùng biển xung quanh huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân cả nước. Để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển và ứng cứu kịp thời tàu thuyền ngư dân cũng như tàu nước ngoài gặp nạn do thiên tai bão tố gây ra, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại vùng biển Trường Sa đã được thành lập. Sự có mặt thường xuyên của lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã trở thành chỗ dựa vững chắc của người đi biển, nhất là mùa biển động; đồng thời, góp phần đáng kể trong việc bảo đảm sự an toàn của tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông đoạn qua lãnh hải Việt Nam.

 

Sự có mặt thường xuyên của lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã trở thành chỗ dựa vững chắc của người đi biển. Ảnh: Nguyễn Tú
Sự có mặt thường xuyên của lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã trở thành chỗ dựa vững chắc của người đi biển. Ảnh: Nguyễn Tú

Hơn ai hết, cán bộ và chiến sĩ đang công tác nơi đầu sóng ngọn gió hiểu rõ những khó khăn về thời tiết cũng như thấy hết được ý nghĩa, sức mạnh của tình đoàn kết quân dân. Là người tham gia nhiều đợt cứu nạn, cứu hộ trên biển, Thượng úy Nguyễn Đức Thuận (Trạm cứu hộ, cứu nạn Trường Sa Lớn) chia sẻ: “Để kịp thời ứng cứu ngư dân khi gặp rủi ro hoạn nạn, cán bộ chiến sĩ tổ chức trực 24/24 giờ với 3 kíp trực. Trạm tiếp nhận tất cả các thông tin và yêu cầu trợ giúp trên biển để từ đó đưa ra phương án hỗ trợ kịp thời cho ngư dân và những người gặp nạn trên biển”.

Tại Bệnh xá thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), ngư dân Trần Ngọc Quang (32 tuổi, quê ở Nghệ An) đã hồi tỉnh sau ca phẫu thuật cấp cứu kéo dài hai giờ đồng hồ. Anh xúc động: “Khi tàu cá rời đất liền được hơn hai tuần và đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa thì bụng tôi bỗng đau dữ dội. Mấy anh em trên tàu đã dùng mọi biện pháp sơ cứu nhằm làm giảm cơn đau cho tôi nhưng bất thành. Nhận thấy càng lúc tôi càng đau dữ dội hơn nên thuyền trưởng đã phát tín hiệu cấp cứu. Sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu cá, các anh ở Trạm cứu hộ, cứu nạn Trường Sa Lớn đã nhanh chóng tiếp cận tàu cá và đưa tôi về Bệnh xá thị trấn Trường Sa cấp cứu. May nhờ các anh ấy đến nhanh, chứ chậm thì tôi khó mà qua khỏi”.

Theo bác sĩ Thái Ngọc Bình-Bệnh xá trưởng Bệnh xá thị trấn Trường Sa thì qua chẩn đoán, anh Quang bị mắc bệnh thoát vị bẹn. Trạm đã phẫu thuật kịp thời và sức khỏe của anh Quang đã chuyển biến tích cực.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đỗ Thế Tuyển-Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, cho biết: Ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc, cùng với việc tăng gia sản xuất, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân làm ăn trên biển luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Công tác cứu hộ cứu nạn trên biển đã có những bước tiến vượt bậc và chuyên nghiệp hơn. Trong thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn nói chung, lực lượng cứu nạn cứu hộ nói riêng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết quân dân, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm