Theo thống kê, năm 2023, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 28,27% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đã xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới, riêng nhóm hàng nông sản chiếm khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Vì vậy, việc sản xuất nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra nguồn hàng chất lượng phục vụ xuất khẩu là rất quan trọng và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Chuyển đổi xanh là quá trình từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới; phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số”.
Cũng theo ông Tuấn, đa phần doanh nghiệp ở tỉnh ta có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư cho công nghệ. Để thúc đẩy chuyển đổi xanh phải tập trung xây dựng các mô hình tăng trưởng mới để thu hút các chủ thể kinh tế khác tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công nghệ để tăng tỷ trọng chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị và đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Chính vì vậy, cần thiết phải có chính sách khuyến khích đầu tư, cơ chế hỗ trợ, nhất là phải có nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ về khoa học công nghệ, khuyến khích mô hình tăng trưởng sáng tạo gắn với chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng công nghệ.
Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê thông tin: Hiện nay, sản lượng đường chế biến hàng năm của Nhà máy đạt trên 300 ngàn tấn, chiếm 20% sản lượng đường của cả nước. Bên cạnh đó, sản phẩm đường của Nhà máy cũng đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh và nhiều năm liền đạt thương hiệu quốc gia. Với quy mô này, hàng năm, Nhà máy Đường An Khê là một trong những đơn vị đóng góp hàng đầu cho ngân sách nhà nước. Từ năm 2013 đến 2023, Nhà máy đã nộp ngân sách 877 tỷ đồng; đồng thời góp phần tạo việc làm cho hàng vạn người lao động và hộ trồng mía trên toàn vùng. Tuy nhiên, để Nhà máy tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành về chính sách cũng như các điều kiện để xây dựng, cải thiện hơn nữa về cơ sở hạ tầng.
Theo Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) năm 2010, kinh tế xanh là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Như vậy, kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: kinh tế, môi trường và xã hội. Đây là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Với ý nghĩa này, Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra định hướng đến năm 2030 đưa Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là tỉnh tiên phong trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Đến năm 2050, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên 3 trụ cột phát triển là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao.
Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và sắp tới là một trong những đột phá phát triển của Quy hoạch tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh phải lấy con người làm trung tâm, phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phải định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh. Trong đó, việc chuyển đổi xanh đối với các ngành ưu tiên trong Quy hoạch tỉnh như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng đồng bộ, du lịch… đòi hỏi sự tham gia của mọi nguồn lực trong xã hội, trong đó, đầu tư công đóng vai trò vốn mồi, dẫn dắt; khu vực tư nhân đóng vai trò cốt lõi trong quá trình xanh hóa các ngành kinh tế. Điều này đã khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong nhiệm vụ này là rất quan trọng và không thể thay thế”.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm: Để thực hiện tốt định hướng chuyển đổi xanh cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư gắn với kinh tế xanh. Cụ thể, bên cạnh rà soát và áp dụng các chính sách một cách linh hoạt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cải cách hành chính, tỉnh sẽ tiếp tục đặc biệt ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước đến Gia Lai hợp tác đầu tư phát triển các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm nông-lâm nghiệp công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng du lịch xanh, du lịch sinh thái; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững; thúc đẩy hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tăng cường chất lượng các dịch vụ trung gian để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực của tỉnh.