Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh-Kỳ 2: Đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn






Gia Lai có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến với khoảng 100.000 ha cà phê, 87.000 ha cao su, 80.000 ha mì, 40.000 ha mía, 38.000 ha bắp, 32.000 ha cây ăn quả, 23.300 ha điều, 76.000 ha lúa nước cùng với diện tích đất có rừng gần 647.000 ha. Trên địa bàn có nhiều nhà máy chế biến mía đường, tinh bột mì, cao su, điều, hồ tiêu, trái cây, cà phê… cùng hơn 280 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, gia công mộc dân dụng; hàng trăm cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú để tạo ra sản lượng sinh khối khoảng 620.000 tấn/năm phục vụ sản xuất năng lượng. Trong đó, bã mía có sản lượng khoảng 520.000 tấn/năm; chất thải hữu cơ từ chế biến nông-lâm sản như vỏ trấu, vỏ cà phê, mùn cưa… khoảng 100.000 tấn/năm.



Nhà máy Đường An Khê (Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) là cơ sở sản xuất đường lớn nhất cả nước với vùng nguyên liệu khoảng 32.000 ha. Mỗi năm, Nhà máy thải ra hàng ngàn tấn bã mía. Thời gian qua, Nhà máy đã xây dựng cụm sản xuất đường-điện hiện đại và lớn nhất cả nước với công suất ép 18.000 tấn mía cây/ngày; đường tinh luyện 1.000 tấn đường/ngày và nhà máy điện sinh khối sản xuất từ bã mía có công suất 95 MW.

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho hay: “Việc sản xuất điện từ bã mía vừa góp phần giảm thiểu việc đưa bã mía ra môi trường, vừa tạo ra nguồn điện dồi dào phục vụ hoạt động sản xuất của Nhà máy và tăng lợi nhuận từ việc phát điện lên lưới quốc gia. Mỗi năm, ngoài doanh thu từ bán đường, Nhà máy cũng thu hàng trăm tỷ đồng từ bán điện. Riêng vụ ép 2023-2024, theo kế hoạch, Nhà máy mua và ép khoảng 2 triệu tấn mía, sản xuất 225.000 tấn đường các loại. Doanh thu 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1.580 tỷ đồng; nhà máy điện sinh khối đạt 419 tỷ đồng”.



Ngoài Nhà máy Điện sinh khối An Khê, trên địa bàn tỉnh hiện có Nhà máy Điện sinh khối Ayun Pa có công suất 34,6 MW.





Bên cạnh xây dựng nhà máy sản xuất điện sinh khối để giảm thiểu việc đưa bã mía ra môi trường, Nhà máy Đường An Khê cũng thực hiện tái tuần hoàn nước thải để tiết kiệm chi phí, tài nguyên nước và hạn chế xả nước thải ra nguồn tiếp nhận. Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết: Hiện nay, lượng nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của Nhà máy là 2.964 m3/ngày đêm. Nhà máy đã đầu tư gần 33,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt các trạm quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải. Trong đó, hệ thống xử lý nước thải có công suất 8.400 m3/ngày đêm xử lý nước thải đạt cột B và được kiểm soát về chất lượng nguồn nước đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường thông qua hoạt động trạm quan trắc tự động, liên tục. Để tiết kiệm chi phí và tài nguyên nước, Nhà máy đã thực hiện tái tuần hoàn nước thải.



Tương tự, những năm qua, Công ty cổ phần Iapacco (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đã chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, xử lý tốt chất thải nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Nhờ vậy, Công ty luôn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định với doanh thu mỗi năm trên 250 tỷ đồng, tạo việc làm cho 180 lao động với mức lương trung bình 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty-cho hay: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng cho việc xây dựng, nâng cấp hạ tầng xử lý chất thải. Bên cạnh đó, mỗi năm, Công ty chi 3,5-4 tỷ đồng để vận hành công nghệ xử lý, quan trắc và thu gom, xử lý các loại chất thải. Đặc biệt, với khối lượng nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất là gần 200 m3 ngày/đêm, Công ty đã xây dựng 2 hệ thống xử lý nước thải hiện đại theo công nghệ lý hóa, vi sinh, sau đó tách thành nước thải và bùn. Nước thải sau khi xử lý đạt cột B được tái sử dụng 100% vào hoạt động đánh bột giấy để tiết kiệm chi phí và tài nguyên nước; còn bùn là chất thải nguy hại được Công ty hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng An Sinh (tỉnh Đắk Lắk) thu gom 3 tháng 1 lần để xử lý”.



Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung tuyên truyền để chủ các dự án/cơ sở sản xuất nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, yêu cầu chủ dự án áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường và đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý các loại chất thải đảm bảo theo quy định. Theo đó, nhiều dự án/cơ sở đã quan tâm đầu tư về công nghệ sản xuất, xử lý chất thải, tận dụng chất thải để tạo ra nguồn năng lượng sạch hoặc tái tuần hoàn nước thải nhằm tiết kiệm chi phí, tiết kiệm tài nguyên nước. Đặc biệt, trong tổng số 434 dự án có 180 đơn vị phát sinh nước thải thì nhiều đơn vị đã đầu tư công nghệ để xử lý nước thải đạt yêu cầu nhằm tái tuần hoàn nước, trong đó có 105 dự án/cơ sở có thực hiện tái tuần hoàn một phần nước thải cho các mục đích như: tuần hoàn về quy trình sản xuất (ngâm phân rửa chuồng đối với cơ sở chăn nuôi; rửa nguyên liệu đầu vào đối với sản xuất đường, tinh bột mì; rửa mủ tạp đối với chế biến cao su…); vệ sinh nhà xưởng, máy móc thiết bị, tưới cho cây xanh, làm mát máy móc thiết bị…



Bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Ngoài ra, việc tái sử dụng nước còn góp phần cải thiện môi trường, cải thiện nguồn nước mặt và nước ngầm. Đặc biệt, việc tái sử dụng nước trong sản xuất giúp tiết kiệm lượng nước sử dụng, cắt giảm chi phí khai thác nước cấp cũng như chi phí đầu tư cho việc xây dựng hệ thống cấp nước đảm bảo yêu cầu cho quy trình sản xuất; giảm lưu lượng nước thải, từ đó tiết giảm được quy mô trạm xử lý nước thải, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư hệ thống xử lý và các chi phí vận hành hệ thống cũng như phí xả thải. Với ý nghĩa đó, hiện nay, việc tái sử dụng nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng nước được khuyến khích theo quy định tại Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường”.


Có thể bạn quan tâm