Theo dự kiến, ngày 31-7 tới, TPHCM sẽ phối hợp với 22 tỉnh, thành khu vực phía Nam tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, tạo cầu nối để doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động và người lao động cần tìm việc gặp nhau. Đây cũng là dịp để các tỉnh, thành chia sẻ nguồn cung lao động.
Hiện nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng cũng có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động. Vì vậy, việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm liên kết vùng là hết sức cần thiết để kết nối doanh nghiệp với người có nhu cầu tìm việc.
Nhiệm vụ này được TPHCM thường xuyên phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo công việc cho người lao động cả khi họ từ các địa phương đến TPHCM tìm việc hay rời TPHCM về quê.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, TPHCM đã phối hợp với các tỉnh thành khu vực ĐBSCL, vùng Đông Nam bộ và các địa phương tổ chức 32 phiên giao dịch việc làm. Qua đó đã tư vấn việc làm cho hơn 112.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho 11.665 lượt người. Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại TPHCM cũng giải quyết việc làm cho 166.135 lượt người và tạo ra hơn 74.000 chỗ việc làm mới. Ngoài ra, còn có hơn 4.100 người được đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Dự kiến trong những tháng cuối năm, TPHCM cần từ 153.500 đến 161.500 chỗ làm việc. Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ cần từ 102.676 đến 108.027 chỗ làm việc, chiếm gần 67% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp - xây dựng cần từ 50.701 đến 53.343 chỗ làm việc, chiếm hơn 33%. Còn lại là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần từ 123 đến 129 chỗ làm việc (chiếm 0,08%). Nhu cầu nhân lực qua đào tạo từ 134.620 đến 141.636 chỗ làm việc, chiếm gần 88%; trình độ lao động phổ thông cần 18.881 đến 19.856 chỗ làm việc, chiếm hơn 12% tổng nhu cầu nhân lực.
Các số liệu trên cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ở TPHCM những tháng cuối năm là rất lớn và đa dạng ở các lĩnh vực, ngành nghề, trình độ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động đáp ứng được yêu cầu.
Trong khi đó, nhiều lao động chưa có việc làm nhưng mang tâm lý chờ đợi, chưa muốn đi tìm việc hoặc chưa tìm được việc làm đúng với chuyên ngành, trình độ, mức thu nhập mong muốn.
Từ thực tế trên, TPHCM phối hợp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây Nguyên cùng các tỉnh lân cận tổ chức sàn giao dịch việc làm liên kết vùng, dự kiến diễn ra vào ngày 31-7. Sàn giao dịch việc làm được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12, TPHCM) và tại các tỉnh, thành. Song song đó, sàn giao dịch việc làm trực tuyến được tổ chức trên các nền tảng như Skype, Zoom...
Gần 100 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo xã Ia Dreng được tư vấn, giới thiệu việc làm
Người bị thu hồi đất được vay vốn tạo việc làm
Tại đầu cầu TPHCM dự kiến có từ 50-60 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với từ 1.200-1.500 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm tham gia. Đầu cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành dự kiến có hơn 100 doanh nghiệp tham gia, với từ 1.000-1.200 lao động tham gia.
Sàn giao dịch việc làm liên kết vùng được kỳ vọng sẽ là cầu nối kết nối hiệu quả giúp người lao động tiếp cận với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ở không gian rộng lớn hơn. Khi đó, các tỉnh, thành có nguồn lao động dồi dào sẽ là nguồn cung ứng lao động cho cả doanh nghiệp ở địa phương mình và các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành có nhu cầu tuyển dụng. Một bên, người lao động có cơ hội tiếp cận nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cần tuyển dụng sẽ có thêm cơ hội, điều kiện tìm kiếm, tuyển dụng được nguồn lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh.