Thời sự - Bình luận

Đừng chống dịch bệnh bằng... bàn phím

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ có thể chiến thắng dịch bệnh bằng những hành động thiết thực cùng chung tay của cộng đồng, chứ không thể bằng những cú gõ bàn phím vô căn cứ và vô trách nhiệm.

 

Một tài khoản Facebook đưa tin thất thiệt, cả chục ngàn người hoảng hốt, cơ quan nhà nước phải họp báo khẩn cấp để trấn an. Một tài khoản Facebook khoe cập nhật thông tin nhanh hơn báo chí, chỉ có điều thông tin sai lệch, làm bao người hoang mang.

Không ít tài khoản mạng xã hội có nhiều người theo dõi, những ngày gần đây đã không ngừng sử dụng những thông tin về dịch bệnh COVID-19 để "nuôi" sức hút cho tài khoản của mình...

Họ không ngần ngại sử dụng, thậm chí có thể gọi là lợi dụng thông tin về dịch bệnh COVID-19, liên tục cập nhật những thông tin, trong đó có những thông tin chưa kiểm chứng, thông tin sai, trích dẫn những con số hay dự báo thiếu căn cứ chuyên môn...

Nhưng thông tin của họ lại dễ dàng thu hút sự chú ý của dư luận, được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội vì đánh đúng tâm lý tò mò, lo lắng, nóng lòng muốn được cập nhật thông tin về dịch bệnh của nhiều người khác.

Trong lúc những cán bộ y tế tuyến đầu đang chiến đấu với dịch bệnh không quản ngày đêm; những cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an không ngại ngần vất vả, nguy hiểm tham gia phòng chống dịch bệnh từ biên giới đến những khu cách ly... thì có những người chống dịch bằng bàn phím và "bơm" ra xã hội những thông tin thiếu tin cậy.

Đến thời điểm này, đã gần một ngàn trường hợp được các cơ quan chức năng mời đến làm việc, xử lý ở nhiều mức độ do đưa thông tin sai lệch, thất thiệt, tin giả về bệnh dịch COVID-19. Số lượng người bị xử lý vì đưa tin sai về bệnh dịch còn gấp nhiều lần số người mắc bệnh thật!

Nhưng dường như xu hướng lan truyền tin giả, tin thiếu kiểm chứng về dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa giảm. Cơ quan quản lý đã vào cuộc, không thiếu những hình thức chế tài.

Nhưng để có thể giảm sự xuất hiện và phát tán những thông tin giả, thông tin sai lệch, gây hoang mang cho cộng đồng vào lúc này, cần nhất vẫn là ý thức công dân của mỗi người tham gia mạng xã hội.

Chúng ta có quyền tiếp cận thông tin, có quyền chia sẻ suy nghĩ, nhưng đừng vô tình làm người tiếp tay cho tin giả, thông tin sai lệch. Mức độ bao phủ, cập nhật của những thông tin chính thức, đáng tin cậy về dịch bệnh COVID-19 trên các phương tiện truyền thông hoàn toàn đủ cho nhu cầu thông tin của chúng ta.

Vì vậy hãy cân nhắc trước khi like, share những thông tin giật gân, câu khách, tiêu cực... mà bạn có thể thấy đâu đó trên mạng xã hội.

Còn đối với các KOL (người có tầm ảnh hưởng), dịch bệnh nói riêng hay những mối lo chung của xã hội càng là nơi thể hiện trách nhiệm công dân, thể hiện đẳng cấp của mỗi người trên môi trường mạng. Không cần phải hiếu thắng, chạy đua loan tin, cũng xin đừng lợi dụng sự lo lắng, quan tâm của cộng đồng để câu like.

Dịch bệnh có lẽ còn kéo dài. Sẽ còn thêm nhiều ngày chúng ta cần hạn chế giao tiếp, thay đổi thói quen trong cuộc sống hằng ngày, cũng có thể có thêm nhiều thông tin không mong đợi...

Nhưng ngay cả lúc này, giữa lúc dịch bệnh đang lan tràn, cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Cuộc sống không chỉ có COVID-19. Thông tin không chỉ có những ca bệnh, những con số. Đừng tự giới hạn sự quan tâm, chia sẻ của mình, để bản thân dễ dàng bị dẫn dắt bởi những thông tin vội vã, tiêu cực và bi quan.

Chỉ có thể chiến thắng dịch bệnh bằng những hành động thiết thực cùng chung tay của cộng đồng, chứ không thể bằng những cú gõ bàn phím vô căn cứ và vô trách nhiệm.

Theo THANH HÀ (TTO)

Có thể bạn quan tâm