Thời sự - Bình luận

Đừng chủ quan với "vùng lõm" bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với việc Đắk Lắk ngày 12-7, công bố ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu trên địa bàn huyện M’Đrắk, tỉnh này đã phải tiếp tục "báo động đỏ" để khoanh vùng, lập chốt chặn, cách ly. Trước đó, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận ổ bạch hầu đầu tiên tại huyện Lắk.


Hai trường hợp mới ghi nhận lần này đều là người dân tộc Mông, cùng ngụ thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk. Thôn 7 có 200 hộ gia đình với 1.247 dân và kết quả điều tra tình hình tiêm chủng ở đây cho thấy có 36 trẻ dưới 14 tuổi thì không có trẻ nào tiêm vắc-xin 5 trong 1. Còn nhớ ngày 9-7, khi làm việc với đoàn của Bộ Y tế về tình hình bệnh bạch hầu, bác sĩ trưởng Trạm Y tế xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cho biết tỉ lệ tiêm chủng của địa phương này khá thấp, chỉ khoảng 50%-60%, nhiều "vùng lõm" trên biểu đồ tiêm chủng của huyện.

Vị trưởng trạm y tế này cũng cho biết khi đến hộ gia đình để tuyên truyền, vận động tiêm chủng thì cán bộ y tế luôn nhận được cái lắc đầu từ chối với nhiều lý do. Thậm chí, nhiều hộ sẵn sàng ký tên, điểm chỉ vào bản cam kết cho người không đi tiêm chủng mở rộng "dù cán bộ y tế đã nói khô cả cổ họng".

Quảng Hòa là một trong những xã ở vùng Tây Nguyên lần này xuất hiện nhiều ca bệnh bạch hầu và có người tử vong.

Một vị phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng cung cấp thông tin ở địa phương này là có trường hợp cán bộ xuống dân phát thuốc nhưng một số người không uống mà chỉ ngậm trong miệng rồi nhổ vì "chúng tôi có bệnh gì đâu mà uống, ai bị bệnh thì uống". Cán bộ y tế sau khi phát thuốc phải trực tiếp giám sát, kiểm tra cổ họng từng người, phải đợi người dân nuốt hẳn mới đi.

Những chuyện nói trên là rất cần phải lưu ý. Bởi lâu nay, chúng ta nghe nhiều báo cáo về thành tích trong xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, những chiến lược cho vùng sâu xùng xa, trong đó có lĩnh vực y tế nhưng thực tiễn đang cho thấy là còn quá nhiều "vùng lõm". "Vùng lõm" không chỉ là nơi thiếu thốn về vật tư, thiết bị, nhân lực mà còn là ở nhận thức của cộng đồng dân cư, cụ thể đã rõ trong việc phòng chống bệnh.

Đã là vùng cao, vùng sâu, vùng xa mà lại là vùng đồng bào dân tộc nữa thì hẳn nhiên là nhiều cái khó. Khi dịch bệnh xảy ra, lộ rõ hơn những "vùng lõm", thì đấy chính là lúc rất cần để nhìn nhận lại hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị trong các chiến lược vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đấy không chỉ là chuyện riêng của cán bộ y tế thôn bản hay của ngành y tế, mà còn là việc của chính quyền, MTTQ, các hội đoàn… trong công tác tuyên truyền, dân vận, nâng cao dân trí.

Nước ta vừa đạt được nhiều kết quả rất đáng mừng trong phòng chống đại dịch Covid-19, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Bằng kinh nghiệm của việc phòng chống đại dịch Covid-19 thì với dịch bạch hầu ở nước ta là chưa có gì phải quá lo ngại, mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát dù đã xảy ra một số trường hợp tử vong.

Dù vậy, vẫn không thể chủ quan, vì những "vùng lõm" ấy sẽ không là riêng chỉ với bệnh bạch hầu.

Theo Lương Duy Cường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm