Nhìn hình ảnh cả một vạt cây xanh bị phá sạch trên đồi Du Sinh, phường 5, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, nhiều người dậy lên nỗi xót xa và bất bình.
Những kẻ phá rừng đã nhẫn tâm chặt đi những cây thông hàng chục năm tuổi, đào ủi đất rừng để khai thác đá, băm nát cảnh quan thơ mộng và làm biến đổi môi sinh của Đà Lạt.
Còn tại huyện Đức Trọng của tỉnh này, dưới chân núi Voi cạnh Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, hơn 40 căn biệt thự theo kiểu nhà sàn xây dựng trái phép ngay trên đất rừng…
Những hình ảnh này đã nói lên tất cả, lý giải vì sao chục năm trở lại đây, người dân Đà Lạt phải dùng máy lạnh, Đà Lạt trở nên nóng hầm hập, Đà Lạt mất dần cảnh quan. Tiếng kêu cứu từ núi rừng Đà Lạt và cả Tây Nguyên cùng nhiều nơi trên đất nước ta nhưng không nhiều những phản hồi tích cực. Rừng vẫn chảy máu, nhường chỗ cho các dự án du lịch, thủy điện, cho các biệt thự mọc lên giữa núi đồi. Trong khi những người phá rừng giàu thêm thì đất nước mất đi diện tích rừng tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên bị xâm hại, tài nguyên quốc gia và môi trường tự nhiên bị hủy hoại, cuộc sống của đông đảo người dân bị ảnh hưởng…
Những ngày tháng 10-2020, trước khi thủy điện xả lũ gây ra lụt lội ở Nghệ An, đã xảy ra lụt ở nhiều tỉnh miền Trung, sạt lở đất ở Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), ở Hướng Hóa (Quảng Trị), rồi sạt lở đất, lũ cuốn ở Nam Trà My, Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam)… Thảm họa ập xuống, hàng chục người mất đi mạng sống một cách oan uổng.
Tại Đà Lạt, đồi Du Sinh bị phá nham nhở, bị đào lở loét để khai thác đá, cả cánh rừng phòng hộ cũng bị xẻ đôi để làm đường vào công trường. UBND TP Đà Lạt cho biết đang củng cố hồ sơ để ra quyết định xử phạt, buộc hoàn nguyên quả đồi vừa bị cắt xẻ. Nói thì nói vậy chứ kết quả ai cũng biết là rất khó khôi phục hiện trạng. Việc hoàn nguyên quả đồi vừa bị cắt xẻ là nói với ý chí, về tương lai, còn biết bao giờ trở lại như xưa là câu hỏi không thể trả lời.
Tương tự, dù UBND TP Đà Lạt đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư vì đã xây dựng công trình cầu đáy kính không có giấy phép tại Khu Du lịch Thung lũng tình yêu và buộc tháo dỡ công trình trong vòng 60 ngày kể từ cuối năm 2019. Thế nhưng công trình vẫn tồn tại, chờ hoàn thiện thủ tục xin giấy phép xây dựng, để rồi sẽ được hợp thức hóa. Với công trình này, hàng loạt cây thông hơn 20 năm tuổi đã bị đốn hạ.
Thực trạng đó bật ra những câu hỏi nhức nhối. Khu vui chơi, du lịch dựng lên bằng phá vỡ cảnh quan chắc gì đã thu hút du khách bước chân tới, khi đi qua nhiều vùng chặt phá ngổn ngang, đào xới nham nhở? Khi khí hậu trong lành, vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên đã mất, Đà Lạt còn gì?
Đành rằng phát triển có thể có mặt trái là phải đánh đổi. Chấp nhận đánh đổi không có nghĩa là bằng mọi giá mà phải biết lựa chọn. Sự bất chấp nào cũng đem lại nhiều tác hại cho chính cư dân hôm nay và con cháu mai sau. Phải mạnh tay hơn khi xử lý những kẻ phá rừng mới mong bớt dần những tai ương, thảm họa. Đừng giơ cao đánh khẽ, bởi sau này xảy ra thiệt hại lớn, có hối hận cũng muộn màng.
Theo TRẦN ĐỨC (NLĐO)