Thời sự - Bình luận

Đừng nhân đôi nỗi sợ hãi về dịch corona

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, báo chí liên tục đưa tin người dân chen nhau mua khẩu trang, nước sát khuẩn, cùng với đó trên mạng xã hội các dòng tin tức thật giả lẫn lộn về sự nguy hiểm của virus corona khiến cộng đồng thêm hoang mang, bối rối.
Có lúc người dân đã phải xếp hàng dài mua khẩu trang y tế tại chợ sỉ thuốc tây lớn nhất TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI
Nghe qua, thực tế đó như một lẽ tự nhiên, bởi nỗi sợ hãi là chung và ai cũng muốn chăm lo cho bản thân, gia đình mình. Thế nhưng, phải chăng mọi chuyện đang đi quá đà khi sự lo lắng thái quá đang làm thay đổi cách sống lẫn thái độ sống khiến những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh thêm khó khăn? Sự sợ hãi đang biến chúng ta thành "mồi ngon" cho những kẻ cơ hội?
Và điều đáng buồn hơn, sự quá đà này khiến chúng ta trở nên có những hành vi xấu xí, thiếu tử tế khi le lói những hành vi kỳ thị với người dân của mình.
Nỗi sợ biến tướng
"Họ gọi chúng tôi là "Vũ Hán của Việt Nam", từ chối mua hàng và tỏ thái độ kỳ thị người dân Sơn Lôi và cả Vĩnh Phúc nói chung", đây không chỉ là chia sẻ của một người dân xã Sơn Lôi trên Tuổi Trẻ ngày 16-2, mà đó còn là một lời cảm thán. Tôi đọc và cảm nhận được đấy là một tâm sự đáng buồn và phản ánh thực tế về sự sợ hãi thái quá đang làm thay đổi tâm tính lẫn hành vi của nhiều người.
Câu chuyện trên cũng tương tự câu chuyện của một người chị đồng nghiệp tôi kể: giờ lên máy bay không ai dám nói chuyện với ai, một người ho là toàn bộ ngó nghiêng hoảng sợ. Hay trên mạng xã hội mỗi ngày tin giật gân về dịch bệnh tràn ngập, mọi người nhiệt tình "like, share".
Thậm chí có người bày tỏ quan điểm trong nỗi sợ hãi được thổi phồng về chuyện cô gái Thanh Hóa (nhiễm bệnh nhưng đã được chữa khỏi). Đồn đại nhau chuyện nhiều người dân Vĩnh Phúc đang trốn khỏi vùng dịch (kêu gọi cần tránh xa những ai mang hộ khẩu Vĩnh Phúc)…
Tất cả cho thấy nỗi sợ dịch bệnh đang biến tướng và những thông tin thổi phồng thái quá khiến chúng ta bị sốc mạnh. Và vì sợ hãi quá mức, vì thiếu tìm hiểu thông tin, vì nôn nóng, chúng ta tự nhân đôi nỗi lo lắng của mình lên (nhất là khi lên mạng xã hội thấy ai cũng hô hào cả).
Điều này có thể thấy qua hình ảnh người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế, thậm chí tranh giành, đánh nhau vì khẩu trang. Hay cả lối sống quen thuộc cũng thay đổi: đóng cửa ở nhà, các trung tâm thương mại đìu hiu, du lịch "chết đứng"…
Và buồn hơn, sau cú sốc mạnh vì thông tin nhiễu loạn, chúng ta trở nên xấu xí khi đánh đồng việc phòng dịch đồng nghĩa với kỳ thị, tẩy chay cả những người trong vùng có một vài cá nhân nhiễm bệnh.
Bình tĩnh… vì người khác
Theo dõi thông tin về dịch bệnh suốt thời gian qua, tôi nhận thấy ở một góc nhìn nào đó đây là một phép thử với chúng ta. Theo kiểu "có qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau": trước dịch bệnh người lo lắng đối phó, người bình tĩnh sẻ chia, kẻ cuống quýt hoảng loạn, kẻ "đục nước béo cò"… Và phép thử này làm lộ rõ có rất nhiều người đang cố tình (hoặc vô ý) nhân lên nỗi sợ hãi.
Như hình ảnh một khách sạn treo biển không nhận khách đến từ Vĩnh Phúc (mặc dù chưa biết thật hay giả, nhưng hành vi như thế đã là không tốt đẹp gì) cho thấy chúng ta đang hoảng loạn và có xu hướng khuếch đại mọi thứ liên quan đến dịch bệnh. Vì thế, phải chăng lúc này điều chúng ta cần là bình tĩnh hơn, vì chính mình và vì người khác.
Ai cũng biết một thông tin sai lệch, một tin đồn về dịch bệnh được tung ra lúc này có thể phá hỏng mọi thành quả mà chúng ta đang xây dựng từ trước đến nay. Ví dụ như người dân xã Sơn Lôi rõ ràng họ đang rất cố gắng không chỉ vì họ mà còn vì cả cộng đồng, vậy tại sao trên mạng xã hội chúng ta vẫn có những bài viết kỳ thị?
Và nguy hại hơn, khi cả một cộng đồng sống trong sợ hãi thái quá thì niềm tin bị đánh mất. Để rồi khi những thông tin chính thức, đúng đắn không còn trở nên giá trị vì ai ai cũng tin vào những tin đồn, những tin phù hợp với nỗi sợ của họ.
Với mỗi người chúng ta, điều cần nhất lúc này có lẽ là thôi nhân lên nỗi sợ hãi bằng những hô hào hay than vãn. Nếu chúng ta không thể chung tay bằng những hành động đẹp như em bé dành tiền lì xì mua khẩu trang tặng mọi người, các bác sĩ gồng mình chống dịch… thì đơn giản hãy phòng chống dịch bằng những hướng dẫn cụ thể, và tin rằng dịch bệnh sẽ qua thôi.
Tôi nghĩ trong "mùa bão thông tin dịch bệnh", có nhiều việc phải làm ở cấp độ nhà nước và từng người dân. Cụ thể, với các cơ quan chính quyền, thông tin về dịch bệnh cần minh bạch, rõ ràng và nhanh chóng. Bên cạnh đó cũng cần đưa ra những dự báo chính xác, thay vì phải gửi những thông báo "hỏa tốc" (như cho sinh viên, học sinh nghỉ học) về dịch bệnh khiến người dân hoang mang hơn.
Mặt khác, cũng cần chú ý đến tâm lý lo sợ của người dân, xem đây là một lẽ đương nhiên và có những biện pháp khích lệ họ (ví dụ các bài viết của chuyên gia phân tích về tâm lý thời dịch bệnh, vì sao lại sợ và để sống vui vẻ thì như thế nào?...).
Theo KHÁNH HƯNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm