Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Dưới bóng cội xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chẳng cứ những ngày nồm oi bức mà ngay trong cả những tiết thu gió hanh, cả khi mưa giăng mờ rẩy run cành lá, tôi cũng không quên dành riêng một góc hồn tình tự với cội cây.

Chắc hẳn phải có một lý do nào đó khiến cuộc sống của con người và cây cối luôn gắn bó, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù hiển ngôn hay ẩn dụ. Người xưa, tìm về bóng cây gốc cội để di dưỡng tinh thần, tìm bình yên trong cái vững chãi thâm trầm của đại thụ, tìm vẻ hiền lành vô tư trong sắc lá thắm hoa cười, tìm minh triết, thức tỉnh trong lát cắt của đường gân thớ gỗ lặng câm để thấu “trăm năm đời thảo mộc”…

Phải chăng, con người, trong cuộc sống ngày càng hiện đại, càng có xu hướng tìm về với cội cây, bóng mát, dù là hiện hữu hay trong mường tượng, tâm thức hay vô thức. Phải chăng chúng ta, có gì đó thật tự nhiên, giống nhau ở chỗ đều thích một bóng mát, yêu một dáng cây, tìm một gốc cội quen thuộc đánh dấu nơi hẹn hò, chờ đợi. Như tâm tình thiết tha trong câu ca dao: “Cây đa cũ bến đò xưa/Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ”.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Ta thấy gì khi đứng dưới gốc đại thụ ngước nhìn lên? Thân cây xù xì, tán cành vươn mình tỏa nhánh ra không gian một vẻ rắn rỏi thâm trầm mà thanh thoát, lá dệt trời xanh lấp lánh muôn điệu thanh. Thấy gì ngoài an yên trong đám lá miên man xao động? Đôi lúc lẩn thẩn mà nghĩ, trong muôn trùng ức kiếp, có đời cội nào là tiền kiếp của ta? Phủ nhận tương quan giao buộc giữa cội cây và đời người, trong suy nghĩ của nhiều người không phải không từng hiện diện.

Nhưng có ai ngờ nó cũng sẽ vô tình bứt động mạch nguồn liên kết vô hình mà hữu cơ giữa con người với thiên nhiên. Tại sao một vườn cây sẽ xanh tốt khỏe mạnh hơn nếu hàng ngày ta có mặt, tới lui chăm sóc? Tại sao một khu vườn sẽ có loài cây héo úa, ủ sầu nếu chủ của nó ra đi? Sao có thể gọi một cái cây vô tri là cây cô đơn, cây hạnh phúc, cây đợi chờ nếu tâm hồn con người không ký thác, gửi gắm vào hồn cây một mối tương liên, đồng cảm.

Tôi vẫn tin tự nhiên và hư vô, con người-bản thể tự nhiên và con người-quần thể xã hội vẫn dung chứa trong nhau vi tế đến không ngờ. Khi ta trồng xuống 1 cây xanh, chăm bón 1 chậu hoa, thiết kế 1 khu vườn thành khuôn viên, tiểu cảnh, tức là đang nối kết cảm giác thẩm mỹ của con người vào “nghệ thuật sắp đặt” của tự nhiên để tìm thấy cái cân bằng của an, lành, thuận, mộc, mỹ cho tâm hồn. Cảm xúc nhân bản ấy không nằm ngoài những gì thuộc về nguồn cội tự nhiên.

Dẫu biết, rồi một ngày, mọi thứ hóa hư vô. Đó là khi dấu tích của con người thành cát bụi trong bàn tay con tạo. Vườn yêu thành vườn hoang, khi bàn chân con người không còn chạm bước. Đền đài thành phế tích, nếu một ngày sức mạnh của con người gục bại trước hư vô. Trong tương tranh giữa sa thạch và quái thụ ở đền Angkor Vat, Angkor Thom, nhiều nơi quái thụ đã thắng thế, trở thành những tên gọi thay thế đầy ngạo nghễ, trớ trêu-đền “cổ thụ” (Ta Prohm).

Giữa mộc và thạch, đá ngàn năm vững chãi là thế mà vẫn lép vế trước những “cánh tay cành” vươn dài, những “ngón chân rễ” đồ sộ, tóm gọn, đè sập tòa ngang dãy dọc đền đài. Như thể, toàn bộ sức mạnh của nó là hư vô bất diệt, là bền bỉ sinh thể bám mạch đời kiếp nào, từ lòng đất thâm u nào.

Trong truyện “Hoàng tử bé”, những cây bao báp là mối đe dọa khủng khiếp của tiểu hành tinh B612, nếu một ngày, chúng không được phát hiện và nhổ đi khi còn nhỏ-hiền lành và mong manh tựa một bụi hoa hồng. Tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh ba cây bao báp với bộ rễ khổng lồ, tham tàn bóp nghẹt một hành tinh. Đó phải chăng là ẩn dụ cho những gì xấu xí đang bành trướng, thống trị khiến sự sống tốt đẹp bị nuốt chửng vào hư không. Dẫu bản chất của hư vô, với con người, đó là sự hủy diệt.

Con người chỉ là những hạt cát bé nhỏ khiêm nhường, lóe sáng lên một lần ánh “hoàng kim” rồi lặn vào hằng hà sa số khắc nghiệt thời gian và tàn liệt hư vô. Nhưng, tôi vẫn tin ý thức và tình cảm mãnh liệt chỉ có ở loài người với thiên nhiên, cuộc sống là sức mạnh khiến con người còn giữ được mạch nguồn chất sống trong mọi hoàn cảnh, đổi thay.

Dưới bóng cội xanh, tôi lại nhớ đến rừng hoa táo trắng và những quả táo “vàng” của bác nông dân Kimura. Nó là thành quả kết tinh mồ hôi nước mắt của những con người mang “vẻ đẹp của thế gian”, “kỳ diệu và cao quý” (Shakespeare), là trái ngọt của lòng tử tế, sự biết ơn mọi lẽ sinh tồn. Thứ khiến con người có thể đi từ hoang mang, đổ nát đến hồi sinh, vực dậy sự sống bằng sức mạnh chân thành và thấu suốt của trái tim.

Có thể bạn quan tâm