Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Gia Lai đột phá từ cây trồng chủ lực

Khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng như: mía, rau màu, lúa nước 2 vụ, mì, bắp và dược liệu. Trong khi đó, các địa phương phía Tây tỉnh thích hợp với cà phê, cao su, hồ tiêu và các loại cây ăn quả.

Trên cơ sở xác định tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực, ngày 28-2-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định 10 nhóm sản phẩm chủ lực từ trồng trọt gồm: cà phê và các sản phẩm từ cà phê; cao su; hồ tiêu và sản phẩm từ hồ tiêu; mì và các sản phẩm từ mì; điều; lúa gạo; bắp các loại; rau an toàn; dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu; cây ăn quả và các sản phẩm từ cây ăn quả (chanh dây, chuối, bơ, sầu riêng) gắn với từng địa bàn cụ thể.

Để khai thác tiềm năng và lợi thế của từng vùng, những năm gần đây, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng chủ lực, gắn sản xuất với sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Nhờ đó, các địa phương đã định hướng bà con nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung có chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C… nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Tại khu vực phía Đông tỉnh, rau màu và mía là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân. Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: Huyện đã xác định mía và rau màu là những cây trồng chủ lực nên đầu tư phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, huyện đã hình thành vùng chuyên canh rau lâu đời và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm “Rau Đak Pơ”. Đây là cơ sở để nông dân các xã, thị trấn mở rộng diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh mang lại nguồn thu nhập ổn định. Còn cây mía được Nhà máy Đường An Khê đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu thu mua theo giá bảo hiểm nên người dân không còn lo đầu ra bấp bênh như những năm trước đây.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm gần đây, các loại cây trồng chủ lực của tỉnh đã được quan tâm về chất lượng và giá trị trên thị trường xuất khẩu. Ngành Nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã chú trọng xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với cây sầu riêng, chuối, chanh dây, bơ, mít, cây ăn quả…; đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, Organic để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu chính ngạch.

“Để cây trồng chủ lực phát triển bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn các địa phương đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tăng diện tích cây trồng chủ lực sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, hữu cơ gắn với sơ chế, bảo quản, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm