Diễn biến thị trường trong quý II/2023 tốt hơn quý trước khi số lượng giao dịch bất động sản nhà ở tăng 7%, tỉ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp đạt khoảng 76%. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu bất động sản tăng khoảng 18%, cổ phiếu xây dựng tăng khoảng 39%. Đáng chú ý, những vướng mắc về pháp lý, thủ tục của các dự án đã được giải quyết khoảng 30%-50%.
Dù vậy, sự phục hồi của thị trường bất động sản còn chậm. Trong đó, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, bao gồm khâu định giá đất, tính tiền thuê đất. Sức cầu trên thị trường yếu, thể hiện qua nhu cầu vay vốn tín dụng để mua nhà, sửa nhà, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng... không cao. Trong khi đó, cầu đầu tư cũng theo hướng an toàn hơn, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa sôi động do thiếu niềm tin.
Để thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần thực hiện thật tốt những cơ chế, chính sách đã ban hành. Cụ thể là chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với tổng trị giá khoảng 200.000 tỉ đồng; chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và các chính sách về thị trường bất động sản, xây dựng, đất đai.
Trong thời gian tới, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi về định giá đất, tiền thuê đất..., qua đó làm cơ sở để các địa phương quyết liệt triển khai. Đây cũng chính là giải pháp để giải phóng nhiều dự án bất động sản nhà ở đang chờ bán.
Về nguồn vốn tín dụng, cần tiếp tục giảm lãi suất theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Song song đó, kiên định quan điểm không hạ chuẩn tín dụng nhưng xem xét linh hoạt hơn về điều kiện tín dụng, chẳng hạn điều kiện về tài sản bảo đảm hay lộ trình áp dụng một số điều khoản về hạn chế cho vay.
Về trái phiếu doanh nghiệp, kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc nhằm củng cố niềm tin; khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng bằng việc đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục, thời gian phê duyệt.
Một giải pháp quan trọng khác đối với thị trường bất động sản là thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội. Với mô hình này, vốn ngân sách nhà nước sẽ là vốn mồi; lãi suất cho vay đầu tư, mua nhà ở xã hội bằng khoảng 50% lãi suất thị trường, như Singapore và Hàn Quốc đã làm.
Về nguồn cung bất động sản, cần đẩy nhanh việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, mà vai trò của địa phương cùng với sự vào cuộc của các tổ công tác là rất quan trọng. Đồng thời, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội như từng làm trong giai đoạn 2013-2016 để tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và thị trường.
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp cũng cần quyết liệt tái cơ cấu hoạt động, sản phẩm, dự án; thực hiện đúng cam kết về trái phiếu đáo hạn; có thiện chí hợp tác với các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư về vay vốn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ và có phương án kinh doanh khả thi...
Thái Phương ghi
TS CẤN VĂN LỰC (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia)