Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa (SGK) được xã hội hóa. Hiện giá SGK được quản lý giá theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Đó là một trong những nguyên nhân khiến giá SGK thời gian qua tăng cao.
Lý giải giá SGK bộ mới tăng cao so với các bộ sách cũ, Bộ GD-ĐT cho rằng, ngoài câu chuyện số lượng bản in, còn liên quan đến cơ chế để hình thành giá. Trước đây, chi phí biên soạn, in ấn do Nhà nước cấp, nay do các nhà xuất bản chi trả, nên giá thành cao hơn.
Thời gian qua, mỗi lần thực hiện kê khai giá SGK, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đều thẩm định kỹ lưỡng. Bộ Tài chính khi tiếp nhận kê khai giá SGK đều đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí (đặc biệt là chi phí quản lý, quảng bá sách, lợi nhuận...) nhằm giảm giá sách, chia sẻ với người tiêu dùng.
Sau mỗi lần kê khai, giá mỗi bộ sách giảm 5-15%. Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo đơn vị chuyên môn nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn định mức kỹ thuật của SGK, với mục đích là giảm giá thành sách xuống mức thấp nhất.
Nhận thức nếu để giá SGK chỉ theo cơ chế kê khai thì có thể làm tăng giá sách từng năm, nên thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã kiên trì đề xuất đưa SGK vào diện bình ổn giá, tức là thuộc mặt hàng do Nhà nước định giá để “kiềm” giá SGK, bảo đảm không ảnh hưởng tới người học.
Từ kiến nghị của Bộ GD-ĐT, các đại biểu Quốc hội và sự lo lắng của xã hội, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo Luật Giá (sửa đổi) theo hướng đưa SGK vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá và Bộ GD-ĐT được giao quy định giá SGK tối đa.
Chúng ta đang thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nhưng cũng phải có giải pháp cho những vấn đề thực tiễn tất yếu đang tồn tại trong quản lý. Một số hàng hóa liên quan đến an sinh xã hội, trong đó có SGK, cần phải có biện pháp điều tiết phù hợp để hướng đến thực hiện các mục tiêu hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
Dĩ nhiên, vấn đề giá SGK không chỉ dừng ở việc Nhà nước định giá tối đa, mà cùng với đó phải khắc phục được vấn nạn lãng phí SGK vì không dùng lại; cần thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần.
Các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn.
Cùng với đó, bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt cần rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành SGK...
Cả xã hội mong mỏi, vấn đề giá SGK không còn là vấn đề nóng mỗi đầu năm học mới!
Theo PHAN THẢO (SGGPO)