Biển đảo Việt Nam

Gieo chữ nơi đầu sóng, ngọn gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-  Dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng hai thầy giáo trẻ đang công tác ở đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa không giấu được niềm hạnh phúc và tự hào khi được làm công việc gieo chữ, chăm sóc cho các em học sinh nơi đầu sóng, ngọn gió, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc
Việc giảng dạy, sinh hoạt của các giáo viên tại các vùng miền xa xôi, biên giới, hải đảo gặp vô vàn khó khăn, vất vả nhưng, hai thầy giáo trẻ ở tỉnh Khánh Hòa vẫn tình nguyện viết đơn xin ra công tác tại đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa-nơi địa đầu của Tổ quốc để gieo con chữ cho con em của người dân sinh sống ở đảo. Đó là thầy giáo Nguyễn Công Qua và thầy Phạm Xuân Dịu đang giảng dạy cho các em học sinh tại Trường Tiểu học xã Sinh Tồn. Điều đặc biệt là trường Tiểu học xã Sinh Tồn chỉ có 2 giáo viên giảng dạy kiêm nhiệm từ bậc mẫu giáo đến cấp tiểu học với tổng số 8 học sinh; trong đó, lớp 2 có 1 học hinh, lớp 1 có 2 học sinh và 5 học sinh bậc mầm non. Đều là những người chưa lập gia đình và là giáo viên nam nên lúc đầu lên đảo Sinh Tồn, các thầy gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc trẻ em mầm non khi các em “trở chứng” hay việc đi vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, với tình yêu trẻ, các thầy đã vượt qua tất cả cùng phối hợp với phụ huynh để giảng dạy và chăm sóc tốt cho trẻ em nơi vùng biển địa đầu của Tổ quốc.
Thầy Qua cần mẫn dạy dỗ các em học sinh nơi đầu sóng ngọn gió. Ảnh: Quang Tấn
Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Công Qua (SN 1994, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cảm nhận được những khó khăn, vất vả đối với các em học sinh ở Trường Sa. Từ đó, tôi luôn nung nấu ý định sau khi ra trường sẽ tự nguyện xin ra đây công tác. Sau 3 năm giảng dạy ở đất liền, tôi tự nguyện viết đơn ra Trường Sa công tác gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa và may mắn được chọn. “Ở ngoài này khá xa đất liền nên điều kiện học tập của học sinh không tốt so với đất liền, bạn bè của các em ít, sự va chạm không được nhiều nên sự ganh đua trong học tập cũng như học hỏi lẫn nhau hầu như không có. Ở đất liền có nhiều giáo viên dạy từng môn học, ở đây chúng tôi phải đảm nhận dạy tất cả các môn từ môn năng khiếu đến các môn học khác và kể cả mẫu giáo. Đặc biệt, các học sinh mẫu giáo, tôi là nam nên việc dạy giỗ các c háu càng gặp nhiều khó khăn, phải lo cho các cháu từ những việc nhỏ nhất như đi vệ sinh hay phải tự tay làm những đồ chơi cho các cháu chơi...”.
Điều kiện học tập của các em học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Tấn
Cũng như thầy Qua, thầy Phạm Xuân Dịu cũng tự nguyện làm đơn xin ra đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa để gieo chữ cho các em học sinh nơi đây. Đây cũng là lần đầu tiên thầy đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng đầy sóng gió của Tổ quốc. Không chỉ giảng dạy học sinh cấp tiểu học, thầy Dịu cũng phải kiêm nhiệm chăm sóc học sinh cấp mầm non. Dù rất nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè ở đất liền nhưng quá trình giảng dạy, tiếp xúc vui chơi với các em học sinh, thầy Dịu cảm thấy tuổi trẻ của mình càng thêm gắn liền với ngôi trường và học sinh trường Tiểu học xã Sinh Tồn. “Giáo viên ở đây chủ yếu tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức qua sách báo là chính chứ không có điều kiện giao lưu chuyên môn nghiệp vụ với đồng nghiệp hay nâng cao kiến thức qua phương tiện thông tin khác. Hơn nữa, cơ sở vật chất và các vật dụng phục vụ cho công tác giáo dục trẻ vẫn còn thiếu thốn nên các em học sinh vẫn bị hạn chế khi tiếp cận với các kiến thức mới, sinh động thực tế so với các em học sinh ở đất liền”-thầy Dịu cho biết.
Ảnh: Quang Tấn
Học sinh ở trường ngày luôn được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ về trang thiết bị, cơ sở vật chất và đồ dùng học tập. Ảnh: Quang Tấn
Tình nguyện ra Trường Sa giảng dạy, mỗi năm chỉ được nghỉ phép 1 tháng vào thời điểm học sinh nghỉ hè hoặc dịp Tết nên hai thầy giáo trẻ thay phiên nhau nghỉ để về thăm gia đình và người thân. Bởi vì trường học chỉ có 2 thầy giáo, một người nghỉ phép thì người kia phải ở lại trông nom trường học. Vượt qua tất cả sự khó khăn, với tình yêu học trò, các thầy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm để truyền đạt kiến thức tốt hơn tới học sinh và cảm thấy ngày càng gắn bó với mảnh đất, con người nơi đầu sóng ngọn gió này. 
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm