Biển đảo Việt Nam

Gieo chữ ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vậy là đã 2 năm kể từ khi Đồng Minh Hiệp và Phạm Trung Việt xuống tàu hải quân 936 đến Trường Sa dạy chữ cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió. Các thầy được ví như những bông hoa phong ba vững chãi giữa biển Đông mặn chát.

Thầy Phạm Trung Việt và học sinh. Ảnh: N.T
Thầy Phạm Trung Việt và học sinh. Ảnh: N.T

Thầy giáo Đồng Minh Hiệp quê ở huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Hiệp đã mong muốn góp một phần sức lực cho quê hương. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, Hiệp viết đơn tình nguyện ra đảo công tác và được chấp thuận.

Một ngày đầu tháng 6-2013, biết tin con trai sắp ra Trường Sa dạy học, đôi mắt mẹ Lê Thị Ngói ngấn lệ, một xúc cảm tự hào, xen lẫn những lo âu. Lời dặn dò của người mẹ cùng với hành trang là chiếc ba lô đầy sách và những hiểu biết về Trường Sa qua những trang báo, Hiệp lên đường nhận nhiệm vụ.

Tại huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) có một thầy giáo trẻ cũng đang ra đảo dạy học là Phạm Trung Việt. Thầy giáo Việt nhận quyết định ra đảo khi chị Lê Thị Như Tuyết-vợ anh vừa hạ sinh con gái đầu lòng chưa tròn 1 tháng. “Khi tôi nhận quyết định ra đảo dạy học, vợ và gia đình rất ủng hộ. Đây là nguồn động lực để tôi yên tâm và phấn đấu hơn nữa trong công tác dạy học ở đảo”-thầy Việt chia sẻ.

Những ngày đầu ở đảo, sự động viên, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã giúp hai thầy giáo trẻ chiến thắng phút yếu lòng. Tên gọi là Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa nhưng chỉ có hai lớp với hai giáo viên. Hai thầy giáo phân công nhau phụ trách một lớp. Những trang giáo án, những giờ lên lớp được diễn ra giữa tiếng sóng vỗ từ bốn phía đảo.

Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa đã được xây dựng kiên cố gồm 2 phòng học, 2 phòng công vụ, 1 phòng vui chơi và 1 thư viện. Trường cũng được trang bị máy tính, máy chiếu và sách vở phục vụ công tác dạy và học. Tuy vậy, vì không đủ học sinh nên nhà trường chỉ có hai lớp ghép, mỗi lớp có 8 em học sinh. Một lớp ghép của thầy Phạm Trung Việt gồm các em học lớp 2, 3, 4, 5. Thầy Đồng Minh Hiệp phụ trách lớp ghép gồm các em mầm non và lớp 1. Trong mỗi lớp học, bàn được kê theo hai hướng khác nhau. Trên tường treo hai tấm bảng ở hai đầu đối diện nhau. Giờ lên lớp, bảng được chia ra nhiều phần, thầy giáo đi vòng để dạy kiến thức cho các em ở các lớp khác nhau. “Vì điều kiện cách trở về địa lý nên việc dạy học trên đảo không giống bất kỳ ngôi trường nào trong cả nước, nhưng chúng tôi cố gắng giúp các em tiếp thu chương trình mới nhất để sau khi các em chuyển vô đất liền tiếp tục học bậc trung học cơ sở sẽ theo kịp chúng bạn”- thầy Việt chia sẻ.   

Những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ thầy-cô giáo đã và đang công tác tại đảo đã khiến phụ huynh ý thức hơn về việc học của con cái. Anh Tô Hoài (bố của cháu Tô Phương Linh) cho biết. “Mặc dù là ở biển đảo xa xôi nhưng các thầy rất chu đáo trong việc dạy học. Chúng tôi rất yên tâm gửi con cái cho các thầy. Mới đây, nhà trường áp dụng phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới giúp các cháu tiếp thu kiến thức nhanh hơn, mạnh dạn hơn, chúng tôi rất mừng”.

Ông Đỗ Thế Tuyến-Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: “Các cháu ở đây sau khi vào bờ tiếp tục học lên thì đa số đạt học sinh giỏi. Đấy là niềm phấn khởi nhất của chúng tôi trong việc quan tâm đến sự nghiệp giáo dục ở đảo. Ngoài việc học văn hóa, chúng tôi còn chú trọng đến việc bồi dưỡng lý tưởng, do đó học sinh ở Trường Sa có tình yêu biển đảo, quê hương đất nước”.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm