Thời sự - Bình luận

Gieo những bình yên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngoài bắt nhịp, đưa thực tế cuộc sống lên màn ảnh, những nhà làm phim còn phải hiểu xã hội đang thiếu và dư cái gì. Nhất là trong bối cảnh nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hiện nay ai cũng mong tìm đến cảm giác được xoa dịu và an yên.

Dưới bóng cây hạnh phúc đã có một kết thúc trọn vẹn như chính tựa phim, đầy chất thơ và nhẹ nhõm. Nhìn vào giá trị của gia đình, chấp nhận ưu - khuyết điểm, mở lòng mình để sẻ chia và đón nhận hạnh phúc là thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm. Trên màn ảnh, đặc biệt với dòng phim về đề tài gia đình, những tác phẩm đã từng thành công đều có một mẫu số chung, lòng vị tha chính là sợi dây hàn gắn đổ vỡ, thắt chặt yêu thương. Đó là liều thuốc chữa lành hiệu quả nhất. Chúng ta có thể bắt gặp điều đó ở những tác phẩm điện ảnh: Nhà bà Nữ, Bố già, Cua lại vợ bầu… với doanh thu hàng trăm tỷ đồng hay những bộ phim từng là “hiện tượng truyền hình”: Về nhà đi con, Thương ngày nắng về, Hướng dương ngược nắng, Cây táo nở hoa, Gạo nếp gạo tẻ, Thương con cá rô đồng, Hoa hồng trên ngực trái…

Nói luôn rất dễ. Bởi làm phim về đề tài gia đình có lợi thế ở sự gần gũi. Mỗi ngày trôi qua có hàng ngàn câu chuyện diễn ra trong cuộc sống đều có thể trở thành chất liệu cho phim ảnh. Thế nhưng, nó cũng là con dao hai lưỡi. Để chạm được đến khán giả đã khó, khiến họ cảm thấy hình bóng bản thân trong phim, đồng cảm với nhân vật và câu chuyện còn khó hơn gấp bội. Nhưng, nhìn vào những tác phẩm thành công dễ thấy đâu cứ phải những câu chuyện “đao to búa lớn”, mà chỉ là những chuyện đời nhỏ nhặt từ cuộc sống muôn màu. Một ông bố gà trống nuôi con (phim Về nhà đi con), một người phụ nữ chỉ biết hy sinh cho nhà chồng (Bóng cây hạnh phúc), một người anh sẵn sàng vừa làm mẹ, vừa làm cha (Cây táo nở hoa), một người đàn ông quên mình vì người khác (Mẹ rơm)… Và ở đó, vẫn có cả những câu chuyện về cái xấu - cái ác như chính thực tế xã hội đang diễn ra. Bi kịch chồng bi kịch như trong Đêm tối rực rỡ nhưng vẫn tỏa ra tia hy vọng tình thân ấm áp. Từng câu chuyện, tưởng rất cá nhân nhưng được khái quát như một bức tranh xã hội thu nhỏ.

Trong xã hội hiện nay, mô hình gia đình đã ít nhiều thay đổi. Ngoài các gia đình tứ đại, tam đại đồng đường, còn có gia đình: cha mẹ đơn thân, ly thân, gia đình đồng tính... Mô hình gia đình có thể thay đổi theo hướng đa dạng hơn song hệ giá trị, với những hạt nhân cốt lõi “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” luôn tồn tại và cần được bồi đắp thêm; tạo điểm tựa, sức mạnh tinh thần, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ. Và, hiển nhiên phim ảnh không thể và không nên đứng ngoài cuộc.

Phim ảnh có chức năng chính là giải trí. Nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đó thì thành công của mỗi tác phẩm chỉ mang tính thời điểm. Xét cho cùng, những tác động xã hội tích cực mới là giá trị bền vững nhất, để bộ phim ở lại trong lòng khán giả lâu hơn, khiến công chúng còn nhắc nhiều về nó. Sau dịch bệnh, khái niệm hàn gắn, chữa lành (healing: âm nhạc chữa lành, phim ảnh chữa lành) được nhắc đến nhiều hơn. Nhiều khán giả thừa nhận, họ chọn đến phim ảnh để tìm vitamin vui vẻ, sự bình yên và được tiếp thêm những động lực tích cực hơn là cảm giác mệt mỏi, những bi kịch không lối thoát. Tất nhiên, phim ảnh về đề tài gia đình sẽ không thể hoàn toàn tránh nói về những nỗi đau, sự mất mát, xung đột, mâu thuẫn và cả mặt trái xã hội. Vấn đề đặt ra, nhà làm phim buộc phải biết cách chắt lọc hiện thực, biết cái gì đang thiếu và dư. Đồng thời, chọn góc nhìn thế nào, thể hiện ra sao để xoa dịu và tiếp thêm niềm lạc quan vào cuộc sống, mà không cần lúc nào cũng phải kết thúc có hậu (happy ending).

Lợi thế của phim ảnh so với nhiều bộ môn nghệ thuật khác là có thể tác động đồng thời đến nhiều giác quan khác nhau cũng như tâm tư, tình cảm và cả hành vi của khán giả. Cho đến nay, câu chuyện về tác động của phim ảnh đến đời sống, đặc biệt là những bộ phim giật gân, câu khách, bạo lực… vẫn còn là tranh cãi chưa hồi kết. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, những bộ phim tràn đầy hy vọng và lạc quan, tác động tích cực của nó có thể cảm nhận tức thì, khiến khán giả mang tâm trạng vui tươi khi rời rạp chiếu hay mong ngóng đến tập phim tiếp theo.

Gia đình là hạt nhân của xã hội. Thiết nghĩ, không riêng dòng phim về gia đình, mà từng bộ phim hãy nên là một hạt nhân tốt, góp phần lan tỏa những giá trị tích cực, gieo thêm những hạt giống thiện lành cho cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm