Trong vài năm gần đây, liên tiếp một số nhà khoa học lẫn trường đại học của Việt Nam bị lên án vi phạm liêm chính khoa học, nhiều bài báo khoa học bị các tạp chí khoa học uy tín của thế giới cảnh báo và gỡ bỏ do vi phạm liêm chính khoa học...
Và với tốc độ gia tăng nhanh chóng số công bố quốc tế, cũng như việc tham gia xếp hạng các trường đại học quốc tế, hiện tượng vi phạm liêm chính khoa học đã và đang trở nên phức tạp hơn. Vì thế, từ các thầy cô, các cấp quản lý đến dư luận xã hội cần có một cái nhìn mạch lạc và có những quyết sách, thái độ đúng để có thể giữ hoạt động khoa học luôn trong sáng và ngày càng được tín nhiệm hơn.
Điều đầu tiên cần nhìn nhận, các ý kiến về vấn đề liêm chính khoa học hiện nay là một hiện tượng tích cực, phản ánh xã hội đang rất quan tâm đến hoạt động khoa học và đã có những nhận thức càng ngày càng thực chất hơn.
Có một thời gian, các báo cáo khoa học hầu như chưa quan tâm đến tài liệu tham khảo, tiếp sau đó là có sự tôn trọng sở hữu trí tuệ (IP) với việc yêu cầu ghi rõ ràng các câu, đoạn nội dung tham khảo một cách chính xác, chuẩn mực. Giờ đây là đến một yêu cầu rộng hơn, đó là liêm chính khoa học/đạo đức, sự trung thực trong khoa học; không chỉ dừng lại ở vấn đề đạo văn, sao chép các kết quả người khác.
Đối với người làm khoa học, trung thực là yếu tố đầu tiên. Tất cả nhà khoa học, những người làm khoa học đều nhận thức rõ yêu cầu của sự trung thực và liêm chính khoa học. Vấn đề là trong những điều kiện cụ thể, những môi trường cụ thể, thì việc thực hiện liêm chính khoa học trở nên phức tạp hơn, có khi sai phạm, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Liêm chính khoa học thuộc về phạm trù đạo đức. Tuy nhiên, để đảm bảo một hoạt động khoa học đúng đắn, ngoài những yêu cầu về nhận thức cá nhân, giáo dục của nhà trường, dư luận của xã hội… thì những quy định, quy ước, chuẩn mực về liêm chính khoa học cũng như các chế tài cần được xây dựng thành văn bản, ban hành, triển khai một cách rõ ràng, minh bạch trong hoạt động khoa học, trong tất cả đơn vị hoạt động khoa học, trường đại học. Một nhà khoa học khi làm việc chính thức tại một đơn vị, cần được biết rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, việc mình được làm và việc mình không được làm một cách cụ thể, ghi trong hợp đồng thống nhất giữa hai bên.
Do vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc về quy trình công nhận chức danh và bổ nhiệm chức vụ GS, PGS hiện nay. Trong quá trình triển khai tự chủ đại học, nên nghiên cứu giao việc bổ nhiệm GS, PGS về cơ sở đào tạo. GS, PGS là chức danh, vị trí của người thầy tại trường đại học được công nhận bởi luật; chức danh phải gắn liền với chiến lược, định hướng phát triển chuyên môn, khoa học của nhà trường.
Việc bổ nhiệm GS, PGS của một cơ sở đào tạo thể hiện trách nhiệm, nhận thức và tạo nên uy tín thật sự của một cơ sở đào tạo cụ thể. Liêm chính khoa học gắn với uy tín của nhà trường. Bộ GD-ĐT, Hội đồng Giáo sư Nhà nước và ngay cả các trung tâm kiểm định chất lượng sẽ có nhiệm vụ giám sát, xử lý cũng như đánh giá việc công nhận, bổ nhiệm GS, PGS, thành quả khoa học của một cơ sở đào tạo có đúng quy trình, chất lượng và thực chất, liêm chính hay không.
Một vấn đề cần nói thêm, là khi có một hiện tượng vi phạm liêm chính khoa học thì cần có một phương thức đấu tranh phù hợp. Bởi, sau mỗi sự kiện là một con người, một số phận, chưa nói đến đó là một nhà khoa học, một người đứng trên bục giảng.
Cuối cùng, trong tất cả mọi việc đều cần phải nhìn ở nhiều góc cạnh và cả môi trường cụ thể. Liêm chính là một khái niệm rộng, có thể sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không chỉ trong khoa học. Việc vi phạm liêm chính khoa học cần được nghiêm khắc đấu tranh để môi trường khoa học ngày càng trong sáng, lành mạnh; đồng thời, cần tạo một môi trường chung công bằng, lành mạnh, cũng như các điều kiện cần và đủ để nhà khoa học có thể yên tâm giữ được sự liêm chính của mình.
PGS-TS PHAN THANH BÌNH
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội