Mùng 3, mùng 4 tết, Thủ tướng đi kiểm tra tình hình triển khai thi công dự án nhà ga hành khách T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án đường Vành đai 3 TPHCM, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ba ngày sau đó, chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm nay tăng tốc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư rất lớn là 422.000 tỷ đồng, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, thành sản phẩm cụ thể, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Đây là tín hiệu hết sức tích cực cho hạ tầng giao thông của đất nước. Bởi lẽ, với tốc độ thi công nhanh, khẩn trương của những năm gần đây, chỉ riêng đường cao tốc Bắc - Nam đã đưa hàng ngàn kilômét vào khai thác. Tết năm nay vẫn còn đây đó tình trạng ùn tắc hay kẹt xe, xảy ra tai nạn giao thông nhưng nhìn chung tuyến cao tốc đã “chia lửa” sự độc đạo của quốc lộ 1A nên tình trạng giao thông đã tốt lên rất nhiều.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn “rào cản” đầu tư hạ tầng đến từ nhiều lý do khác nhau. Luật Đầu tư theo đối tác công tư năm 2020 từ khi ra đời đến nay đã khiến cho những đại dự án đầu tư theo hình thức BT bị “đứng hình” dang dở. Đó là dự án đường Vành đai 2 TPHCM, dự án công trình chống ngập TPHCM với vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, tuyến tránh TP Bảo Lộc dài 15,5km (mới đây Bộ GTVT đã phát đi cảnh báo không cho lưu thông vì đường chưa hoàn thành dễ xảy ra tai nạn)… Ắt hẳn những dự án kiểu này cấp thiết cần được tháo gỡ để tiếp tục thi công hoàn thành.
Một vấn đề khác là việc thu hút đầu tư. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng còn hạn hẹp, nhưng việc mời gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế khác tham gia chưa được đẩy mạnh. Ví dụ từ việc mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành. Đây là tuyến đường hết sức “bận rộn” và có thể kẹt xe bất cứ giờ nào, vì kết nối giữa các trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, mặt bằng sạch đã có sẵn nhưng các đơn vị nhà nước lại loay hoay thu xếp vốn đầu tư, chưa biết khi nào khởi công. Trong khi đó, năm 2026 sân bay quốc tế Long Thành sẽ đi vào hoạt động, đường Vành đai 3 TPHCM cũng bắt đầu khai thác. Với tốc độ triển khai hiện tại, tăng trưởng kinh tế cao mỗi năm thì lúc đó tuyến cao tốc này sẽ trở thành nút thắt cổ chai, gây ùn tắc giao thông. Nếu chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài vào dự án này sẽ không khó, vì đây là “con gà đẻ trứng vàng”. Với quan điểm như vậy, những công trình dễ thu hồi vốn thì nên mời gọi các thành phần kinh tế tham gia, Nhà nước thì lo những dự án còn lại, khi đó các dự án hạ tầng mới có thể làm nhanh được, khai thác đồng bộ.
Vấn đề khác là huy động nguồn lực trong dân. Năm 2023, kiều hối chuyển về TPHCM gần 9,5 tỷ USD, cộng với số 6,8 tỷ USD gửi về năm 2022 sẽ có 16,3 tỷ USD. Kinh phí này sẽ đủ để đầu tư hoàn tất 4 tuyến metro TPHCM (lấy mốc trung bình tuyến metro số 1 khoảng 2 tỷ USD), tuyến Vành đai 3 TPHCM (3,1 tỷ USD) và xong giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành (4,6 tỷ USD).
Tuy nhiên, kiều hối cho đến thời điểm này chỉ là một con số thống kê “lung linh” vào dịp cuối năm. Làm thế nào để đảm bảo sự sinh lợi tốt nhất và an toàn đồng vốn của người dân thì chắc chắn sẽ hút được nguồn kiều hối này. Nếu như nắn được dòng kiều hối chảy vào hạ tầng sẽ có ý nghĩa rất lớn, bởi ở đó không chỉ là sự đóng góp phát triển nói chung mà còn là tình cảm đối với quê hương, đất nước, hết sức cao cả!
Với sự quyết liệt của Thủ tướng, kỳ vọng năm nay đất nước sẽ tiếp tục có nhiều công trình giao thông hoàn thành, hoặc thi công mới với tiến độ hết sức khẩn trương. Đặc biệt tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng khẩn trương bàn giải pháp thực hiện. Tất nhiên, bên cạnh sự quyết tâm thì cần phải tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn về chính sách, có cơ chế thu hút nhiều nguồn lực tham gia, lúc đó bức tranh hạ tầng của đất nước sẽ tươi sáng nhanh hơn. Nhờ đó sẽ kéo giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đà cho đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững!