Thời sự - Bình luận

GS Hoàng Chí Bảo:Bài học về sàng lọc cán bộ phải đặt ra thường xuyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Bài học về sàng lọc cán bộ phải đặt ra thường xuyên, không phải cứ vào cương vị là mãi mãi ở đó, thậm chí đến hết nhiệm kỳ" - GS Hoàng Chí Bảo nói.
 

 

Tại kỳ họp thứ 32, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật nhiều cán bộ. Trong đó, Cơ quan kiểm tra đã kết luận, những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016-2021, ông Nguyễn Bốn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông và ông Trương Thanh Tùng - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, gây dư luận xấu trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

 

Kỳ họp thứ 32 Ủy ban Kiểm tra Trung ương.



Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Tất Thành Cang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 31. Cũng trong kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật nhiều tướng lĩnh công an, quân đội vì đã mắc những vi phạm, khuyết điểm, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức đảng.

Bài học cảnh tỉnh, răn đe đối với cán bộ

Việc xem xét, kỷ luật hàng loạt cán bộ trong thời gian vừa qua được dư luận, nhân dân đồng tình ủng hộ, phản ánh một bước tiến thực sự của dân chủ trong việc thực hiện chính sách cán bộ, mà cụ thể là khâu xử lý cán bộ “không có vùng cấm”, không gượng nhẹ, không bao che, góp phần căn bản lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng.

Tất cả những sự kiện vừa qua là một tiếng chuông cảnh tỉnh, răn đe những người đang thi hành công vụ, nhìn vào những mặt trái đó để tự soi, tự đánh giá, tự điều chỉnh mình về cả nhận thức và hành vi, để làm sao xứng đáng với chức vụ, quyền hành, xứng đáng với sự tín nhiệm của dân.

GS Hoàng Chí Bảo-nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, là điều không khỏi xót xa, song cũng cho ta những bài học cần thiết về sự yếu kém của công tác tổ chức cán bộ, từ đánh giá cán bộ không đúng dẫn đến bố trí không đúng, rồi buông lỏng kiểm tra giám sát thì mới dẫn đến việc cán bộ khi vào cuộc, còn rất trẻ, nhưng đã mắc những sai phạm, khuyết điểm đến mức phải xử lý.


 

Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.



“Ở đây cũng cho thấy cần phải có những trừng phạt nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những vi phạm. Hơn thế nữa, bài học về sàng lọc cán bộ phải đặt ra thường xuyên, không phải cứ vào cương vị là mãi mãi ở đó, thậm chí đến hết nhiệm kỳ. Niềm tin của nhân dân được bền vững khi các vụ việc tiêu cực được xét xử công minh, trừng trị nghiêm khắc, cảnh tỉnh răn đe, có một hệ thống chế tài để bắt buộc phải thi hành”- GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Trong tháng 12 này, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Một trong những yêu cầu quan trọng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là: phải làm thận trọng, chặt chẽ, công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, không được có lợi ích. “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, quan điểm lệch lạc, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị”.

Từ thực tế thi hành kỷ luật cán bộ thời gian qua cho thấy, “một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, nếu không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sẽ gây nguy hại tới uy tín của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể cơ quan, đơn vị đang tiến hành giới thiệu nhân sự quy hoạch thì yêu cầu về công tác tổ chức, đánh giá cán bộ, tránh để những kẻ xấu có cơ hội chính trị leo cao, chui sâu vào bộ máy càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ông Lê Quang Thưởng-nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, để làm được việc này, mọi bước thực hiện đều phải công khai, minh bạch, gắn trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương và người đứng đầu trong việc xem xét giới thiệu nhân sự quy hoạch.

Những người làm công tác tổ chức cán bộ phải đủ năng lực, đủ tầm nhìn để “nhìn” đúng, trúng cán bộ. Họ phải là những người công tâm, khách quan trong đánh giá cán bộ; thu thập, lắng nghe tất cả các thông tin về cán bộ được giới thiệu để có cơ sở đưa ra các quyết sách tham mưu đúng, báo cáo tổ chức.

“Cần phải nắm vững tiêu chuẩn cán bộ để giới thiệu đúng, trúng nhân sự vào quy hoạch. Phát động dân chủ trong các cơ quan để xem xét, đánh giá cán bộ. Đồng thời phải dựa vào các kênh thông tin từ người dân nơi cư trú, nơi công tác để có cơ sở xem xét cán bộ”-nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết.

Xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tiến cử nhầm người

Theo ông Lê Quang Thưởng, trong quy trình thực hiện việc quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương lần này cần ràng buộc trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự, để họ xác định được nghĩa vụ, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước. Cần quy định rõ người nào, tổ chức nào vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà tiến cử nhầm người thì phải chịu trách nhiệm bất cứ lúc nào, kể cả khi đã nghỉ hưu. Phải có hình phạt nghiêm khắc thì họ mới không dám giới thiệu những kẻ cơ hội chính trị, như những “con lươn, con chạch” vào bộ máy.

Bên cạnh đó, phải rà soát công tác quy hoạch thật nghiêm túc, mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, song cũng kịp thời bổ sung những nhân tố mới vào quy hoạch.

GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ, nhìn lại lịch sử, câu chuyện về trách nhiệm tiến cử không phải là mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay cần thiết phải đề cao. Chính vì vậy, trước những sự kiện bê bối vì cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm nặng tới mức phải bị kỷ luật, thì phải xem xét cả trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan giới thiệu cán bộ đó.

“Những trường hợp giới thiệu, tiến cử sai, khi vào cuộc cán bộ hư hỏng, mắc sai phạm thì không chỉ kỷ luật cán bộ đó mà còn phải xem xét trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cơ quan và cá nhân đã giới thiệu, bố trí những người như thế. Ở đây phải đề cao chế độ trách nhiệm. Trách nhiệm cá nhân, tổ chức, trách nhiệm theo thẩm quyền, chức năng đã được quy định”-GS Hoàng Chí Bảo nói và nhấn mạnh đây cũng là xu hướng chung của dân chủ.

 Kim Anh/VOV.VN
 

Có thể bạn quan tâm