12 chữ ký của đại diện các hãng hàng không và các doanh nghiệp lữ hành theo thư khẩn cấp gửi Thủ tướng đề nghị công bố mở cửa du lịch quốc tế ngay và luôn, từ 1.2.
Đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tặng hoa cho khách du lịch quốc tế. Ảnh: LPL |
Đó là các tên tuổi Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Viettravel, Saigontourist, Sun Group...
Các doanh nghiệp hàng không và du lịch dịch vụ quá sốt ruột, hai năm 2020 và 2021 bế tắc trong đại dịch, nay họ đang chờ cơ hội để phục hồi và cơ hội đó đã đến.
Nhưng chính Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã làm chậm đi cơ hội đó bằng đề xuất mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound), đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua tất cả cửa khẩu quốc tế từ ngày 1.5.
Cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế không hiểu lý do gì mà Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch lại lấy cái mốc 1.5 mà không phải là ngay từ đầu tháng 2.
Việt Nam tiêm vaccine đạt tỉ lệ cao, đứng trong "top 6" thế giới, đó là cơ sở để mở cửa kinh tế, phục hồi du lịch. Và ngay cả khi thực hiện mở cửa từ đầu tháng 2, thì không phải du khách ào đến ngay, mà còn có thời gian để "chủ nhà" cũng như "du khách" chuẩn bị. Trong thời gian đó, sẽ tiếp tục tiêm vaccine "thần tốc".
Tỉnh Quảng Ninh đang huy động tối đa lực lượng để hoàn thành việc tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân trước Tết Nguyên đán 2022, thay vì hết Quý 1/2022 như kế hoạch đặt ra trước đó.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM nhận định: Thành phố hiện đã đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, nhưng với COVID-19, vaccine không đạt miễn dịch bền vững và sẽ suy giảm, nên việc người dân tập trung bổ sung tiêm vaccine mũi 3 là cần thiết. Với năng lực hiện nay của ngành y tế TPHCM, việc hoàn thành tiêm mũi 3 là trong tầm tay.
Nhiều địa phương khác cũng đã đạt được độ bao phủ tiêm vaccine cao, kiểm soát dịch bệnh tốt, người dân có thể yên tâm sản xuất kinh doanh, buôn bán làm ăn.
Các đội tàu bay với hàng trăm chiếc của các hãng hàng không từng nằm "đắp chiếu" ở các sân bay, hàng ngàn khách sạn, resort khắp cả nước đóng cửa kéo dài vì đại dịch, hàng ngàn người lao động trong ngành du lịch, dịch vụ mất việc làm, chừng đó đã quá đủ để chúng ta phải lo lắng cho việc sớm mở cửa du lịch, mở cửa nền kinh tế.
Năm 2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỉ USD. Năm 2021, các chỉ tiêu du lịch tiếp tục giảm sâu hơn so với năm 2020. Theo thống kê, khách du lịch nội địa 11 tháng của năm 2021 ước đạt 34,75 triệu lượt, giảm 40,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Đã có nhiều doanh nghiệp phá sản, hiện có nhiều doanh nghiệp đang "hấp hối". Hãy lắng nghe tiếng nói từ doanh nghiệp, từ cuộc sống để đưa ra các quyết định đúng đắn.
Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)