Thời sự - Bình luận

Hình thành niềm tin cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình trạng nông sản được mùa thì phải "giải cứu", giá đang lên thì đột ngột đổi chiều đã diễn ra từ nhiều năm nay. Chẳng hạn, bưởi Bến Tre mới xuất khẩu được giá trên 100.000 đồng/kg, đùng cái còn mấy chục ngàn đồng/kg khiến nông dân miền Tây loay hoay đốn bưởi để trồng sầu riêng.

Tương tự, ở Tây Nguyên cũng đang diễn ra việc đốn cà phê để trồng sầu riêng. Thỉnh thoảng, đọc thông tin báo chí đăng về giá 1 kg xoài không bằng 1 ly trà đá hay 1 kg cam không bằng 1 ổ bánh mì... khiến chúng ta cảm thấy nặng lòng.

Nền nông nghiệp Việt Nam như một phương trình còn quá nhiều biến số, phải chấp nhận chuyển một số biến số trở thành hằng số để giải bài trước. Ông bà ta có câu rất hay: "Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt". Đầu vào chuỗi ngành hàng nông sản là những nông dân với hàng loạt vấn đề nội tại về quy mô sản xuất, mã số vùng trồng, chất lượng, môi trường, liên kết... Sản xuất nông nghiệp hiện nay đa phần nhỏ lẻ, manh mún, tự phát nên quy mô không đủ lớn, chất lượng không đồng đều, chi phí cao, kéo theo xung đột, cạnh tranh lẫn nhau.

Trong khi mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra hằng giờ, hằng ngày ở nông thôn, nếu không tham gia vào HTX, nông dân không thể liên kết được thành sức mạnh lớn. Thế nhưng, việc kết nối giữa nông dân với nông dân, doanh nghiệp với nông dân không hề đơn giản.

Các địa phương ở ĐBSCL sẽ không thể mời gọi được đầu tư nếu không trả lời được câu hỏi nguyên liệu ở đâu, nguyên liệu có đồng đều không, nông dân có giữ chữ tín không… Tỉnh, thành có bảo đảm nông dân giữ cam kết trong hợp đồng bao tiêu không? Nếu chính quyền không trả lời được những câu hỏi đó thì phải tổ chức lại sản xuất, ngành hàng, nông dân.

Trở lại bài toán nâng cao giá trị nông sản Việt, từ khóa đầu tiên là liên kết. Không có phép mầu nào để đùng một cái giải quyết bài toán này mà nông dân vẫn không chịu vào HTX để liên kết với doanh nghiệp. Để thúc đẩy liên kết, các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau và ngồi lại với nông dân, thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn, phải hình thành niềm tin cho nông dân, phát huy vai trò dẫn dắt để hình thành hệ sinh thái xung quanh doanh nghiệp với nông dân. Chẳng hạn, ngay vùng trồng mía Tây Ninh, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) có thể xây dựng không gian cho nông dân trồng mía có chỗ sinh hoạt, giải trí. Hay như ở tỉnh Bạc Liêu, Công ty CP Nông sản Lộc Trời có thể xây dựng một hội quán như hội quán nông dân ở Đồng Tháp cho nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm nông. Chi phí cho các khoản đầu tư này không lớn nhưng hiệu quả mang lại sẽ vô cùng lớn, là nền tảng để 2 bên xích lại gần nhau hơn và tiến tới xây dựng những chương trình hợp tác đường dài. Các hiệp hội ngành hàng như rau củ quả, thủy sản cũng phải đồng hành với doanh nghiệp tham gia kiến tạo không gian phát triển với từng địa phương, từng vùng. Thành công của những doanh nghiệp lớn như TTC, Lộc Trời sẽ là dẫn chiếu để có thể có nhiều điển hình thành công khác.

Mong rằng, Báo Người Lao Động và các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, để góp phần kết nối thương lái, doanh nghiệp, hiệp hội với nông dân thành một khối để đi xa.


LÊ MINH HOAN

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Có thể bạn quan tâm