Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Hợp tác xã: Cần giải pháp đột phá để phát triển - Kỳ 1: Động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn


Nhiều HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, năng động trong sản xuất kinh doanh và tập hợp được nông dân tham gia các chuỗi sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, qua đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn.



Năm 2018, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) được thành lập với 12 thành viên. Sau 5 năm đi vào hoạt động, HTX đã liên kết với hơn 400 hộ nông dân để trồng cà phê, chanh dây, sầu riêng, bắp sinh khối… Khi tham gia chuỗi liên kết, các thành viên, nông dân được HTX hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo đúng quy trình và được cung ứng giống cây trồng, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX ngày càng mở rộng, doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân mỗi thành viên đạt trên 300 triệu đồng/năm.



Từ khi tham gia HTX để liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, thu nhập của gia đình ông Lê Ánh (thôn 2, xã Nghĩa Hòa) tăng mạnh so với trước đây. Bên cạnh được hỗ trợ kỹ thuật trồng cà phê theo đúng quy trình, sản phẩm cà phê của người dân được Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa thu mua với giá cao hơn thị trường. Ông Ánh phấn khởi cho biết: “Từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, 4 ha cà phê của gia đình luôn cho năng suất cao và ổn định. Niên vụ cà phê vừa rồi, tôi thu được hơn 100 tấn cà phê tươi, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn 400 triệu đồng. Đó là chưa kể nguồn thu từ vườn sầu riêng gần 1 ha bắt đầu bước vào thu hoạch và 300 triệu đồng lợi nhuận của HTX chia cho thành viên”.



Từng gặp nhiều khó khăn khi cây hồ tiêu chết hàng loạt nhưng giờ đây, mô hình trồng cây ăn quả đã mang lại cho gia đình ông Nguyễn Thanh Thương (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Thương chia sẻ: “Cây hồ tiêu là bài học đắt giá cho bản thân tôi và người dân trên địa bàn xã. Chính vì vậy, ngay khi bắt tay làm lại từ đầu bằng vườn cây ăn quả gồm gần 300 cây sầu riêng và hơn 600 cây na, tôi tham gia HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn để liên kết sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, thu nhập của gia đình luôn ở mức cao và tăng dần qua các năm. Năm nay, gia đình ước thu được khoảng 20 tấn, giá bán đã được doanh nghiệp chốt tại vườn hơn 80 ngàn đồng/kg. Nếu tính cả khoản thu từ các cây trồng khác như na, mắc ca, bơ booth thì sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi lãi cả tỷ đồng”.

Ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn-cho biết: “Lúc mới thành lập, HTX chỉ có 12 thành viên nhưng đến nay đã thu hút 62 thành viên tham gia sản xuất các loại cây ăn quả như: sầu riêng, mít Thái, na. Trong đó, sầu riêng là cây mũi nhọn với hơn 250 ha liên kết với người dân sản xuất theo hướng VietGAP”.



Theo ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 32 sản phẩm của 19 HTX được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, đến nay đã có 80 HTX liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững.



Không chỉ góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, HTX còn là “bệ đỡ” giúp để các địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Thực tế cho thấy, địa phương nào có HTX phát triển, hoạt động hiệu quả thì quá trình xây dựng NTM gặp nhiều thuận lợi. Không chỉ đáp ứng tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí NTM, HTX còn là cầu nối giúp nông dân liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.



Xã Glar (huyện Đak Đoa) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016. Có được kết quả đó không thể không nhắc đến sự đóng góp của các HTX. Toàn xã hiện có 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút hàng trăm thành viên là nông dân trên địa bàn tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập. Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh-cho biết: Hợp tác xã được thành lập với mục tiêu tập hợp các thành viên, nhất là người dân tộc thiểu số tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. “Hợp tác xã đã liên kết với khoảng 500 hộ nông dân, chủ yếu là người Bahnar sản xuất hơn 500 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ. Ngoài việc bao tiêu sản phẩm, chúng tôi còn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân sản xuất cà phê đạt hiệu quả cao, bền vững và tiết kiệm chi phí. Mỗi năm, HTX thu mua khoảng 200 tấn cà phê nhân sạch của người dân để chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt, qua việc hình thành các chuỗi liên kết, người dân đã thay đổi tư duy, dần chuyển sang sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp. Qua đó, người dân từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và đóng góp quan trọng trong xây dựng NTM của địa phương”-Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh cho hay.



Tương tự, từ khi thành lập, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hà Tam (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) cũng có những đóng góp quan trọng trong xây dựng NTM của địa phương. Không chỉ đáp ứng tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí NTM, HTX cũng tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả các dịch vụ thủy nông, cung cấp nước sạch và quản lý chợ. Bà Phan Thị Tú Hà-Giám đốc HTX-cho biết: “Tuy hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực để mở rộng quy mô nhưng nhìn chung vẫn có lãi, các thành viên ngày càng có thu nhập ổn định hơn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, nhất là khai thác tốt hoạt động cung cấp nước sạch và nước sản xuất nông nghiệp từ các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn”.



Ông Trương Công Hạnh-Chủ tịch UBND xã Hà Tam-khẳng định: “Từ khi thành lập đến nay, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hà Tam đã có nhiều đóng góp trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, giúp nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần giúp xã hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng NTM là tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập… để được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Thời gian tới, xã tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để HTX phát triển, nâng cao thu nhập cho các thành viên nhằm giữ vững các tiêu chí và hướng đến đạt chuẩn xã NTM nâng cao”.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 105 sản phẩm của 42 HTX nông nghiệp được công nhận đạt OCOP 3-4 sao cấp tỉnh. Bên cạnh đó, 81 HTX và 72 tổ hợp tác tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với 11.826 hộ nông dân, giúp các địa phương thuận lợi trong việc thực hiện các tiêu chí NTM.


Có thể bạn quan tâm