Huyện Ia Pa hiện có 16 HTX, trong đó, 11 HTX đang hoạt động, 5 HTX đang chờ giải thể. Ông Rmah Yư-Giám đốc HTX Nông nghiệp Ia Kdăm (xã Ia Kdăm) cho biết: Khi thành lập, HTX đăng ký khá nhiều ngành nghề kinh doanh như: dịch vụ thủy nông; sản xuất kinh doanh nông sản; cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp… Tuy nhiên, HTX chỉ kinh doanh dịch vụ thủy nông, còn các dịch vụ khác đều “nằm trên giấy”. Khó khăn nhất hiện nay của HTX là thiếu vốn sản xuất, máy móc thiết bị để lâu nên cũng dần xuống cấp. Hợp tác xã không có trụ sở, sân phơi nên khó thu hút được người dân tham gia. “Hiện HTX cung ứng dịch vụ thủy nông cho hơn 124 ha lúa nước và khoảng 3 ha bắp sinh khối. Doanh thu mỗi năm không đủ bù đắp chi phí hoạt động của 2 trạm bơm nên nhiều thành viên không tham gia chuỗi liên kết”-ông Yư cho hay.
Hợp tác xã Dịch vụ thương mại và nông nghiệp Ia Kênh (làng Mơ Nú, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) thành lập năm 2017. Năm 2022, HTX được xếp hạng trung bình. Tuy nhiên, HTX đã ngừng hoạt động và không phát sinh doanh thu. Ghi nhận thực tế cho thấy, trụ sở HTX đã đóng cửa, bỏ hoang từ lâu, cỏ mọc um tùm. Ông Trần Văn Ân-Giám đốc HTX-cho biết: 2 năm sau khi HTX thành lập, ông tiếp nhận chức vụ Giám đốc. Lúc đó, HTX chưa có thu nhập, chưa hoạt động kinh doanh gì.
Tại huyện biên giới Ia Grai, HTX đa ngành nghề Ia Tô (xã Ia Tô) thành lập từ năm 2020 với số thành viên ban đầu khoảng 100 người. Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, thu mua các mặt hàng nông sản trên địa bàn. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX chưa thu mua được sản phẩm nào, trong khi có khoảng 40 thành viên xin ra khỏi HTX. Ông Trịnh Viết Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Tô-khẳng định: Đến nay, HTX hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân chính vì sản lượng chưa đảm bảo để thu mua phục vụ xuất khẩu. Địa phương đang tích cực hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cũng như mở rộng diện tích cho cây chanh dây, sầu riêng. Dự kiến khoảng 2-3 năm tới, diện tích các loại cây trồng này bước vào thu hoạch sẽ đáp ứng nhu cầu cho HTX, qua đó giúp HTX hoạt động hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh: Đến nay, Gia Lai có 391 HTX, trong đó, 70 HTX đã ngưng hoạt động vì không hiệu quả và chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Còn lại 321 HTX đang hoạt động thì qua đánh giá, chỉ 35% HTX kinh doanh có lãi, số còn lại hòa vốn hoặc lỗ. “Kinh tế hợp tác vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và yêu cầu nhiệm vụ cũng như thực tế của địa phương. Chính vì nhiều HTX chưa có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, dài hơi hoặc phương án hoạt động kém hiệu quả, không đủ sức thuyết phục nên không hấp dẫn được nông dân, khó vận động thành viên và người lao động tham gia. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp còn ít, nội dung hạn chế. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ vẫn còn hạn chế, chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp, đại lý trên địa bàn”-Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh khẳng định.
Những năm qua, thông qua hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều HTX đã thể hiện được vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển HTX cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: vấn đề bảo vệ quyền lợi của các thành viên chưa tốt, nhất là quyền tài sản, đất đai; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chính sách thuế, phí và lệ phí, chính sách khoa học-công nghệ và xúc tiến thương mại, điều kiện hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ còn hạn chế, trùng lắp, mức hỗ trợ còn thấp; hồ sơ thủ tục rườm rà nên số HTX thụ hưởng chính sách chưa nhiều… Đặc biệt, các HTX gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi vì hầu hết đều không có tài sản để thế chấp, dẫn đến lúng túng trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Ia Kdăm cho rằng: “Khó khăn lớn nhất của HTX là không thể tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh do không có trụ sở hay bất kỳ tài sản nào để thế chấp. Hoạt động chủ yếu của HTX dựa vào vốn góp của 40 thành viên nhưng không đáng bao nhiêu. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của HTX, ngay cả việc kinh doanh dịch vụ thủy nông cũng gặp nhiều khó khăn vì máy móc, kênh mương được đầu tư hơn 20 năm nên đã xuống cấp, hư hỏng”.
Theo ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, khó khăn hiện nay của các HTX là nguồn vốn sản xuất kinh doanh còn hạn chế dẫn đến chưa phát huy tốt các ngành nghề đã đăng ký kinh doanh. Hầu hết HTX trên địa bàn huyện đều không có trụ sở, chủ yếu tận dụng hoặc mượn trụ sở để hoạt động, cũng không có các tài sản khác để thế chấp vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của các HTX còn yếu về trình độ quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh nên hầu hết đều hoạt động không hiệu quả.
Thành lập và đi vào hoạt động đã hơn 1 năm nhưng HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bàu Cạn (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) cũng chưa có trụ sở riêng mà đang phải đi thuê với giá 2 triệu đồng/tháng để làm cơ sở thu mua chanh dây. Ông Trần Văn Hạnh-Giám đốc HTX-cho biết: Khi thành lập, HTX gặp khó khăn vì nguồn kinh phí hạn hẹp, không tiếp cận được vốn vay vì không có trụ sở, đất đai, tài sản để thế chấp. Việc kêu gọi nông dân làm thành viên HTX cũng nan giải vì họ không mặn mà. “Để thuận tiện hoạt động, đơn vị đã làm công văn kiến nghị ngành chức năng tạo điều kiện cho thuê đất trong quy hoạch để sản xuất, làm trụ sở hoạt động nhưng chưa được chấp thuận”-ông Hạnh nói.
Theo Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng, trong 31 HTX trên địa bàn, chỉ 30% hoạt động có lời, 40% hòa vốn, số còn lại làm ăn thua lỗ. Nhìn chung, các HTX sản xuất còn manh mún, lạc hậu; sự liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ còn yếu; sức cạnh tranh của HTX trên thương trường còn nhiều mặt hạn chế nên lợi nhuận không cao. Đặc biệt, năng lực quản lý, nguồn vốn, công tác phối hợp còn hạn chế là lý do dẫn đến sự yếu kém của các HTX trên địa bàn.
Lý giải về nguyên nhân nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng kỳ vọng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX của Nhà nước ban hành thì nhiều nhưng thiếu nguồn lực; một số chính sách quy định bố trí nguồn ngân sách địa phương thực hiện chưa phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Cán bộ phụ trách HTX của các huyện, thị xã, thành phố còn thiếu, đa phần là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Do đó, việc kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động của các HTX chưa sâu sát, chưa kịp thời nắm bắt khó khăn của các HTX để kiến nghị với cơ quan cấp trên giải quyết. Đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX đa phần lớn tuổi, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh không cao, còn lúng túng trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản.