Trên bản đồ hành chính xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) bây giờ không còn cái tên làng Mới. Thế nhưng lên biên giới nhắc đến cái tên này nhiều người vẫn nhớ như in câu chuyện Anh hùng lao động Rơ Mah Klum vận động người di dân, lập làng để trồng cao su. Rơ Mah Klum đã về với thế giới A Tâu gần 15 năm, nhưng ông để lại cho cộng đồng một ngôi làng trù phú với những vườn cao su xanh mướt và cuộc sống no đủ như ngày hôm nay luôn được các thế hệ đời sau nhắc đến.
Một ngày cuối tháng Sáu, trời mưa như trút nước, chúng tôi tìm về làng Dơk Ngol nơi làng Mới sáp nhập vào theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Căn nhà mới của ông Rơ Mah Duen-người có uy tín của làng nằm ven đường lộ, đón chúng tôi với nụ cười thân thiện.
Ông là người theo Rơ Mah Klum đi vận động dân làng tiến hành cuộc di cư mà đến bây giờ nhiều người, vẫn thường gọi đây là “Cuộc di dân tìm đến ánh sáng, ấm no và hạnh phúc”.
Rơ Mah Duen bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng chất giọng trầm ấm: Mình thua anh Klum 4 tuổi. Mặc dù ít tuổi hơn nhưng thường chơi với nhau, cũng chính vì thế, sau này mình lấy em gái của anh Klum làm vợ. Cả cuộc đời anh Klum đã cống hiến cho cách mạng, cho cộng đồng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, Rơ Mah Klum thấy người dân làng mình khổ quá, ở mãi trong núi, nhiều hủ tục lạc hậu, ốm đau thì lo cúng Yàng, làm gì cũng sợ Yàng phạt, cái ăn không đủ, con cái không được đến trường nên luôn trăn trở tìm lối ra cho dân làng. Năm 1995, khi thấy bộ đội trồng cao su xanh tốt, Rơ Mah Klum đã đến gặp lãnh đạo Công ty 74 bàn cách đưa dân khai hoang, mở đất để trồng cao su. Khi đó dân làng chỉ có thói quen phát nương, làm rẫy, sống gần rừng, không chịu định cư. Nhiều người phản đối. Vì thế, ngày đêm, sớm tối, Rơ Mah Klum đi từng nhà, vận động bà con. Để dân tin, Rơ Mah Klum đưa gia đình mình ra gần đường, trồng cao su trước, sau đó 47 hộ dân đã ra ở cùng nhau, lập làng Mới, làm công nhân trồng cao su cho Công ty 74. Cái tên làng Mới có từ đó, gần 30 năm nay, trở thành một vùng cư dân trù phú trên vùng biên giới Đức Cơ.
Ông Rơ Mah Duen chia sẻ về Anh hùng lao động Rơ Mah Klum. |
Để hiểu thêm về những ngày gian khó, khai hoang mở đất lập làng và cuộc sống của người dân nơi đây, chúng tôi tìm đến nhà anh Rơ Mah Juech-Trưởng thôn Dơk Ngol, nhà anh nằm lưng chừng con dốc, dưới những tán rừng cao su phủ bóng, có khách đến nhà, anh vội dừng tay: Tôi đang chuẩn bị đi kiểm tra mấy vườn cao su, đêm qua mưa to, mặc dù đã có máng che mưa nhưng vẫn sợ ướt miệng cạo. Khi chúng tôi nhắc lại chuyện di dân lập làng. Rơ Mah Juech bắt đầu câu chuyện với chất giọng trầm ấm: Ngày ấy, hai làng Dơk Ngol và làng Dơk Lah nằm phía sâu trong rừng, đường sá đi lại khó khăn, sản xuất theo tập quán, đốt, phát, chọc, trỉa nên cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, trẻ em ít được đến trường vì bố mẹ còn bận lên rừng, ra rẫy tìm cái ăn. Anh Klum và lãnh đạo Công ty 74 đã vận động người dân hai làng này ra lập cụm dân cư, lấy tạm cái tên làng Mới.
Làng Mới bây giờ đã sát nhập vào các làng khác và có tên gọi là làng Dơk Ngol. Để minh chứng cho sự phát triển của mảnh đất này, Rơ Mah Juech viện dẫn: Làng có 295 với 1.386 khẩu, số hộ nghèo của làng còn 13%. Đặc biệt, nhờ cây cao su mà trong làng có 45% số hộ có thu nhập trên 300 triệu đồng. Chi bộ của làng có 17 đảng viên, trẻ em trong làng đều được đến trường, 100% đường trong làng đều được bê tông hóa. “Di sản mà anh Rơ Mah Klum và những người thời kỳ đầu đi khai hoang, mở đất để lại đó là 70% người dân trong làng có cao su tiểu điền, với diện tích hơn 200 ha, 86% người dân trong làng tham gia cạo mủ cao su cho Công ty 74”.
Đại tá Hà Văn Nam-Bí thư Đảng ủy Công ty 74 (Binh đoàn 15) cho biết: Chúng tôi luôn biết ơn, trân trọng những người đã có công lớn đưa cao su lên miền biên viễn. Chính vì thế, bên cạnh tạo công ăn việc làm cho người lao động, tuyển công nhân người dân tộc thiểu số và làm công, hằng năm chúng tôi trích từ 3-5 tỷ đồng để thực hiện công tác dân vận, giúp đỡ Nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, hằng năm, khi tái canh cây cao su, chúng tôi, còn cho người dân mượn đất để trồng hoa màu, lúa qua đó, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân
Dòng Sê San chảy từ thượng nguồn Kom Tum về Gia Lai rồi đổ sang Đông Bắc Campuchia. Hai bên tả ngạn, hữu ngạn và hạ lưu của dòng sông ấy là bạt ngàn cao su xanh ngát, kéo dài từ Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy về Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê Mang Yang và các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông… Những rừng cao su xanh mát xen lẫn với các khu dân cư trù phú đã tạo nên những bức tranh với những gam màu tươi sáng. Cây cao su được gọi là cây xóa đói, giảm nghèo, giúp cho hàng ngàn hộ dân vươn lên có cuộc sống no ấm, vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc, vừa nâng độ che phủ rừng. Để có những rừng cao su xanh ngát ấy, những người đi “mở cõi” đã vỡ đất để trồng cao su phải đổ biết bao mồ hôi, công sức thậm chí là cả máu xương của mình.
Rừng cao su nhìn từ trên cao. |
Lật dở những trang sử của ngành Cao su Việt Nam, mới thấy hết tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chính phủ khi quyết định đưa cây cao su lên trồng đại trà trên đất Tây Nguyên. Theo đó, năm 1983, trên cơ sở thành tựu đạt được, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chủ trương đẩy nhanh quá trình khai hoang và mở rộng diện tích trồng cây cao su. Để chuẩn bị tốt cho vụ trồng mới, năm 1983, Tổng cục Cao su (nay là Tập đoàn Cao su Việt Nam) đã giao nhiệm vụ cho các công ty cao su ở Đông Nam bộ tích cực hỗ trợ các công ty trên địa bàn Tây Nguyên. Cụ thể, Cao su Đồng Nai giúp Cao su Ea H'leo; Cao su Dầu Tiếng giúp Cao su Krông Buk, Cao su Chư Sê; Cao su Phước Hòa giúp Cao su Mang Yang, Cao su Kon Tum.
Anh hùng lao động Hồ Văn Ngừng là một trong 18 người của Công ty Cao su Dầu Tiếng được giao nhiệm vụ giúp Công ty Cao su Chư Sê khảo sát, khai hoang đất, chuẩn bị giống để tiến hành trồng cao su. Nhớ lại những năm tháng khó khăn, gian khổ ấy, ông Hồ Văn Ngừng chia sẻ: “Khi chúng tôi lên Chư Sê thì đất còn hoang hóa, cây cối um tùm. Chúng tôi còn đối mặt với thú dữ, bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh… Nhiều người dân và thậm chí là lãnh đạo địa phương vẫn không tin cây cao su có thể phát triển trên vùng đất đỏ này. Tuy nhiên, với sức trẻ, vừa làm vừa thử nghiệm, cuối cùng thì cây cao su đã trở nên xanh tốt và cho kết quả khả quan”.
Ngày ấy, công cuộc khai hoang, vỡ đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai nơi có 4 Công ty cao su, gồm: Chư Sê, Chư Păh, Mang Yang, Chư Prông có sự tiếp sức không hề nhỏ của những cuộc di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên của các tỉnh phía Bắc. Năm 1976, đoàn cán bộ của Nông trường Đồng Giao ở Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam và Ninh Bình) đã vào khảo sát xây dựng khu kinh tế mới tại huyện Chư Prông. Một năm sau đó, hơn 3 ngàn thanh niên của địa phương này đã vào Chư Prông xây dựng khu kinh tế mới và thành lập Nông trường Cao su Chư Prông (tiền thân của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông bây giờ). Nhiều người trồng cao su ở Chư Prông bây giờ xem thế hệ đó là “những tiền hiền khai khẩn” trồng cao su trên vùng đất này.
Nhớ về những ngày vào Gia Lai khai hoang trồng cao su, ông Nguyễn Văn Thành (thôn Hợp Thắng, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) tâm sự: Ngày ấy, thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, chúng tôi những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi, tạm biệt quê hương lên đường vào Gia Lai lập khu kinh tế mới. Kể làm sao hết những khó khăn, gian khổ thời ấy, sốt rét, thú dữ, chất độc hóa học…thiếu thốn trăm bề, đôi lúc tưởng chừng như bỏ cuộc. Thế nhưng, bằng sức trẻ, nghị lực khai phá vùng đất Tây Nguyên, chúng tôi đã vượt qua tất cả và thành quả hôm nay là những vườn cao su xa tít tầm mắt, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Căn nhà của ông Ksor Jao nằm ven con đường liên huyện Đức Cơ-Ia Grai (làng Sung Le Tung, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ). Năm nay vừa bước qua hơn 60 mùa rẫy, nhưng ký ức về những năm tháng khai sơn, phá thạch cùng các công ty của Binh đoàn 15 vẫn còn in đậm trong tâm trí, ký ước những ngày nằm lán, ngủ rừng để khai hoang: "Nói làm sao hết những khó khăn gian khổ những ngày ấy. Năm 1985, Binh đoàn đã vận động người dân địa phương như chúng tôi tham gia. Bấy giờ, nơi đây như một đại công trường với hàng ngàn con người. Thiếu máy móc, tất cả chỉ lao động thủ công dùng cuốc, rìu, dao và xẻng để chặt cây, dọn gốc, đào hố. Gian khổ lắm, nhưng ai cũng tin tưởng cao su sẽ cho người dân có cuộc sống ấm no nên tất cả đều cố gắng". Đưa mắt nhìn về cánh rừng cao su trập trùng, già Jao thêm tự hào:
Có mặt tại Tây Nguyên từ rất sớm và cả cuộc đời gắn bó với biên giới, với cây cao su, hơn ai hết, Đại tá, Anh hùng lao động Trần Quang Hùng-nguyên Giám đốc Công ty 74, hiểu được những khó khăn, gian khổ khi đưa cây cao su lên vùng biên giới: "Khi đi vận động người dân làm công nhân chúng tôi rất vất vả, từ đường đất, muốn vào các điểm có dân cư phải đi mất một ngày, vừa đi vừa dùng rựa phát lối mở đường. Công cuộc vận động nhân dân tham gia cùng đơn vị trồng cao su rất vất vả, đòi hỏi phải thực hiện chính sách “mưa dầm, thấm lâu”. Tập quán của bà con làm làm lúa rẫy, bây giờ tiếp cận với cây công nghiệp, với kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ nên chúng tôi phải nắm tay, chỉ việc. Tuy nhiên, nhờ được hướng dẫn tận tình, khi tham gia cạo mủ có thu nhập cao, người này vận động, tuyên truyền người kia, nên số công nhân xin vào đơn vị cạo mủ cao su ngày càng đông.