(GLO)- Đất đai là chủ quyền, là lãnh thổ thiêng của Tổ quốc gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc; là không gian sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là nguồn tài nguyên, nguồn lực vô cùng to lớn để phát triển đất nước; là tư liệu sản xuất đặc biệt tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Ông cha ta từng nói: “Sống nhờ đất, chết về với đất” là vậy!
Gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Đất đai được phát huy thành nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở các đô thị, hình thành thị trường bất động sản… Nguồn thu từ thuế, phí sử dụng đất tăng lên, đóng góp đáng kể cho ngân sách.
Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất đai vẫn còn hạn chế, bất cập. Nguồn lực về đất đai có lúc, có nơi vẫn chưa được khai thác tiết kiệm. Công tác thu hồi, bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư nhiều nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người có đất thu hồi, Nhà nước và nhà đầu tư. Nhiều cuộc đời khốn khó, nhiều thôn xóm không bình yên vì tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài. Khiếu kiện liên quan đến đất đai phức tạp, chiếm 70% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo; thành điểm nóng về an ninh trật tự. Đặc biệt, vẫn còn “kẽ hở” để một số quan chức, địa phương lợi dụng biến đất công thành đất tư, chuyển nhượng, lấn chiếm trái phép, dẫn đến nhiều vụ đại án như thời gian qua.
Ảnh minh họa. |
Đó là những vấn đề cấp thiết cần phải bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện. Liên tiếp nhiều kỳ họp Quốc hội, yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật Đất đai đã được đặt ra, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đưa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ra lấy ý kiến người dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, ý chí, nguyện vọng của người dân để khi hoàn thiện, Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Làm sao để việc lấy ý kiến “tạo được sự đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai”.
Việc tổ chức lấy ý kiến người dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3-1 đến 15-3-2023. Nhân dân cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia… sẽ tự do bày tỏ, đóng góp ý kiến của mình qua các “kênh” tiếp nhận, đã được “phân vai” cụ thể với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Dự kiến, nhiều nội dung của Luật Đất đai năm 2013 đang cần sự góp ý của người dân để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Như chủ trương bỏ khung giá đất xây dựng bằng giá đất sát với thị trường để khắc phục tình trạng thất thoát tiền sử dụng đất, tham nhũng tiêu cực; về đấu thầu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh thông thầu bỏ thầu; quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, tránh lạm dụng việc thu hồi đất làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân…
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luất Đất đai (sửa đổi) là quyền lợi và trách nhiệm của công dân với đất nước. Trách nhiệm của hệ thống chính trị là thu nhận đầy đủ, tiếp thu chọn lọc các ý kiến đóng góp thiết thực, tâm huyết của dân, để kết quả ấy sẽ được cùng với Quốc hội hoàn thiện bộ luật quan trọng này, để Luật Đất đai khi được Quốc hội thông qua, đi vào cuộc sống sẽ bảo đảm thực hiện hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.
ĐÌNH CƯƠNG