Khả năng xung đột Nga- Ucraine tăng lên cấp độ mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Hãng tin AFP, Điện Kremlin hôm 19-1 cho rằng khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, khi các nước phương Tây họp cân nhắc gửi vũ khí mạnh hơn tới Ukraine.
Giao tranh ác liệt tại Bakhmut. Ảnh: Văn phòng Báo chí Bộ Quốc phòng Nga

Giao tranh ác liệt tại Bakhmut. Ảnh: Văn phòng Báo chí Bộ Quốc phòng Nga

"Động thái đó sẽ cực kỳ nguy hiểm. Điều đó có nghĩa sẽ đưa cuộc xung đột lên một cấp độ hoàn toàn mới. Và tất nhiên đây không phải là điều tốt lành dưới góc độ an ninh châu Âu" - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

Trước đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố Matxcơva sẽ trả đũa nếu Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công Nga hoặc bán đảo Crimea (Nga sáp nhập vào năm 2014).

Trong khi đó, cuối ngày 19-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mong đợi "những quyết định mạnh mẽ" việc phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Kiev tại cuộc họp quan trọng của các đồng minh của Mỹ ở Đức vào ngày 20-1.

Ngày 19-1, Mỹ công bố viện trợ gói vũ khí và đạn dược mới trị giá 2,5 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có 90 xe bọc thép chở quân Stryker, 59 xe chiến đấu bộ binh Bradley, hệ thống phòng không Avenger... Tuy nhiên, gói viện trợ này không có xe tăng chiến đấu hiện đại như Kiev yêu cầu.

Đến nay, Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã viện trợ xe bọc thép và nhiều vũ khí cho Ukraine, nhưng ngoại trừ Anh, họ không cam kết cung cấp xe tăng hiện đại. Theo Mỹ, lý do ở chỗ sẽ khó khăn trong bảo trì và huấn luyện.

Cuối tuần trước, Anh hứa gửi xe tăng Challenger 2 tới Ukraine. Trong khi đó, Đức cho biết họ sẽ cung cấp xe bọc thép Marder, còn Pháp đã hứa cung cấp xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC.

Những động thái trên của NATO đã bị Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Medvedev chỉ trích mạnh mẽ. Ông cũng đưa ra cảnh báo rắn đối với các chính trị gia phương Tây khi cho rằng, kịch bản khả thi là Nga sẽ thất bại ở Ukraine .

“Không ai trong số đó nghĩ đến kết luận rằng thất bại của một cường quốc hạt nhân trong chiến tranh thông thường có thể khơi mào cho chiến tranh nguyên tử. Không cường quốc hạt nhân nào chịu thua trong những xung đột ảnh hưởng đến sự tồn vong của họ. Điều này là dễ hiểu”- ông nói.

TS ( từ TTXVN, TPO, TNO)

Có thể bạn quan tâm