Nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm (tỉnh Lâm Đồng) và các cộng sự của ông vừa bổ sung vào “bảo tàng mở” những hiện vật độc đáo, quý giá. Bức tranh tổng thể về Tây Nguyên được tái hiện tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) đã hé mở thêm nhiều câu chuyện văn hóa thú vị.
Nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm cho biết: “Cái mới của đợt bổ sung này là hoàn thiện thêm 2 căn nhà đặc trưng cho 2 nhóm dân tộc ở cực Nam Tây Nguyên là nhà dài Ê Đê (tỉnh Đak Lak) và nhà của người Cơ Ho (tỉnh Lâm Đồng). Như vậy, không gian trưng bày này có 5 ngôi nhà đặc trưng cho 5 nhóm dân tộc điển hình ở Tây Nguyên. Đó là nhà ở của người Xê Đăng (tỉnh Kon Tum), nhà rông Bahnar (tỉnh Gia Lai), nhà M’Nông (tỉnh Đak Nông) và 2 nhà Ê Đê, Cơ Ho vừa hoàn thiện. Không gian trưng bày còn được bổ sung thêm hơn 100 tượng gỗ cùng nhiều chục bộ tượng cây”. Theo ông Tâm, vườn tượng ở đây có số lượng nhiều nhất, phong phú nội dung và đặc trưng, tiêu biểu nhất tại một không gian trưng bày về Tây Nguyên mà từ trước tới nay nhà sưu tầm này thực hiện tại các tỉnh.
Các hiện vật cổ, quý mới bổ sung được trưng bày tập trung trong căn nhà Ê Đê (được gọi là nhà trung tâm, phía tay trái trụ đá tại Quảng trường). Trong căn nhà còn có bút tích của cố Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư Tô Ngọc Thanh, cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Alexander Sokolovsky (Đại học Liên bang Viễn Đông, DVFU). Các nhà văn hóa, nghiên cứu đều đánh giá cao giá trị của các hiện vật văn hóa, dân tộc học-gia tài trong hơn 40 năm sưu tầm của ông Đặng Minh Tâm.
Những hiện vật đáng chú ý tại căn nhà trung tâm có các loại gùi cổ xưa, tiêu biểu của 5 dân tộc đặc trưng cho vùng Bắc, Trung đến cực Nam Tây Nguyên với những đặc điểm riêng biệt. Trong đó có gùi cổ của người Bahnar ở huyện Kbang. Ngoài ra còn có những loại gùi “đặc chủng” như gùi đi săn, gùi dành riêng đựng đồ dùng của phụ nữ… Đáng lưu ý là hiện vật trống đồng tìm thấy tại Lâm Đồng có niên đại khoảng 2.000-2.500 năm; những bộ rìu tay bằng đá đặc trưng cho thời kỳ đá cũ tìm thấy ở các tỉnh Tây Nguyên, minh chứng rằng đây là vùng đất cổ xưa của loài người.
Bộ trang sức của người Tây Nguyên cũng là những hiện vật gợi nhiều sự tò mò. Trong đó có những chiếc vòng cầu hôn bằng đồng hiện vẫn được một số dân tộc sử dụng khá phổ biến, khuyên tai bằng ngà voi hay xương nai, còng chân bằng đồng. Đặc biệt là bộ nhẫn làm bằng bạc của người Chu Ru (Lâm Đồng). Bên cạnh là bộ dụng cụ làm nhẫn làm từ chất liệu tự nhiên như: sáp ong, phân trâu, bồ kết rừng…
Nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm giới thiệu: “Bộ nhẫn được trưng bày tại đây do nghệ nhân Ya Tuất (làng Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) chế tác. Ông là 1 trong 6 “báu vật nhân văn” của Tây Nguyên không có người thừa kế, truyền nghề. Nếu nghệ nhân Ya Tuất ra đi thì nghề này sẽ mất đi vĩnh viễn, mang theo những kỹ nghệ chế tác vô cùng độc đáo”.
Sinh sống chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng nhưng ông Đặng Minh Tâm có cơ duyên sưu tầm nhiều hiện vật dân tộc học rất quý tại Gia Lai. Trong đó có bộ cườm cổ bằng đá quý ông sưu tầm được ở vùng An Khê cách đây 20 năm.
Từ khi không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” bắt đầu phục vụ khách tham quan (ngày 5-12-2023) tới nay, chị Nguyễn Thị An-thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh đã trực tiếp giới thiệu các hiện vật văn hóa đến nhiều đoàn học sinh trong tỉnh.
Theo chị An, mặc dù hiện vật phong phú, trong đó nhiều hiện vật có giá trị nhưng hạn chế của một sưu tập tư nhân nên trưng bày chưa thực sự logic. Nhưng bù lại, “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” kết hợp được yếu tố văn hóa và giải trí nên thu hút rất đông người dân và du khách đến thưởng lãm. “Việc một nhà sưu tập tư nhân đưa những hiện vật đã kỳ công sưu tầm, nhất là hiện vật quý ra phục vụ công chúng ở ngoài trời là điều rất đáng quý. Bảo tàng cũng sẽ học hỏi cách trưng bày theo hướng mở này để giới thiệu hiện vật hiện có đến với công chúng nhiều hơn, phát huy hiệu quả công tác bảo tồn, bảo tàng hiện nay”-chị An nói.
Với những người sinh ra và lớn lên từ làng, không gian trưng bày gợi lại nhiều kỷ niệm thân thuộc. Chị Rah Lan Huế (TP. Pleiku) cho biết: Học đại học xong, chị làm việc ở thành phố và thỉnh thoảng mới có dịp về làng. Do đó, không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” giúp chị có cơ hội kết nối với truyền thống văn hóa nhiều hơn. Chị chia sẻ: “Nhìn những trái bầu khô treo dày đặc ở đây, tôi lại nhớ kỷ niệm tuổi thơ với gia đình. Ở làng tôi hầu như nhà nào cũng trồng bầu để làm vật dụng trữ nước. Đến mùa thu hoạch, chúng tôi hái những quả bầu già đem vùi xuống lòng suối hoặc ở hõm đất nhão dưới gầm nhà sàn-chỗ hay rửa tay chân đọng nước lâu ngày. Sau 7 ngày thì cắt núm bầu đổ hạt ra phơi để làm hạt giống cho mùa sau, còn quả bầu tiếp tục ngâm nước 1 tuần nữa rồi lấy lên phơi khô. Muốn quả bầu có màu đen huyền thì lấy than giã nhuyễn trộn với bùn, ngâm quả bầu vài ngày. Hay những trái bắp treo trên vách nhà sàn cũng không phải để trang trí cho đẹp như nhiều người nghĩ. Đó là cách người dân bảo quản khỏi mối mọt. Không chỉ bắp mà các loại nông sản đặc trưng của người Tây Nguyên đều được bảo quản phổ biến như treo trên vách nhà hoặc gác bếp. Bằng cách đơn giản như vậy mà hạt giống được bảo quản từ mùa này qua mùa khác vẫn không bị hư”.
Chị Huế chia sẻ thêm, không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” tuy có những đặc trưng riêng biệt của mỗi dân tộc nhưng trên hết đã phản ánh cuộc sống đầy sáng tạo của các dân tộc với một kho vốn chung. “Tôi sẽ đưa con gái ra đây để giúp con phần nào hiểu về cuộc sống của ông bà, cha mẹ ở làng như thế nào, giúp con kết nối với văn hóa của dân tộc mình tốt hơn. Mỗi khi về làng, con sẽ không phải bỡ ngỡ với chính văn hóa nguồn cội của mình”-chị Huế tâm sự.