(GLO)- Trong tuần, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trực tiếp chủ trì buổi gặp mặt đại diện trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí trên địa bàn tỉnh Gia Lai và hội nghị triển khai công tác tuyên truyền, định hướng báo chí và dư luận xã hội năm 2020.
Quang cảnh buổi gặp mặt đại diện trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phương Linh |
Điều đáng chú ý là cả 2 sự kiện này đều liên quan đến hoạt động báo chí và đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh. Phát biểu tại đây, Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí địa phương và đội ngũ phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh cũng “cảm thấy rất buồn” trước một số vụ việc tiêu cực liên quan đến báo chí trong thời gian gần đây. Trước tiên, đó là vụ hành hung một nhà báo xảy ra trên địa bàn TP. Pleiku cách đây không lâu. Sau khi xảy ra vụ việc, dư luận xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có ý kiến bảo vệ nhà báo này và đề nghị cần xử lý những đối tượng gây ra vụ hành hung. Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng cần tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân dẫn đến hành hung. Bởi lẽ, theo dư luận, nhà báo này thuộc loại “không phải dạng vừa đâu”(!). Tiếp đó, lực lượng Công an phát hiện hàng loạt vụ tống tiền các chủ lò than ở huyện Ia Grai của 2 đối tượng tự xưng là phóng viên đến từ các tỉnh phía Bắc.
Cũng tại 2 diễn đàn nói trên, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Báo chí cách mạng không dung dưỡng những đối tượng lợi dụng báo chí để làm điều xằng bậy nhằm mục đích trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, làm tổn hại đến danh dự những người làm báo chân chính. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh với các hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí, kiên quyết không để “con sâu làm rầu nồi canh”.
Thực tế cho thấy, việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi cho cá nhân hay “nhóm lợi ích” là không hiếm. Trong số đó có không ít vụ việc đã được đưa ra ánh sáng và chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật. Và thực tế cũng có trường hợp “thuận buồm xuôi gió” nên các hành vi tiêu cực vẫn có “đất sống” và tiếp tục nảy nòi.
Vậy, làm thế nào để ngăn chặn, tiến tới loại bỏ những “con sâu” để không “làm rầu nồi canh”? Đương nhiên trách nhiệm này thuộc về các cơ quan báo chí, quản lý báo chí cũng như cơ quan bảo vệ pháp luật về báo chí. Theo đó, để không ảnh hưởng uy tín của mình, hơn ai hết, các cơ quan báo chí cần giáo dục đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và quản lý chặt chẽ hoạt động của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Trong điều kiện hiện nay, các cơ quan báo chí cũng cần giám sát chặt chẽ đội ngũ cộng tác viên, thông tín viên; kiên quyết ngăn chặn tình trạng lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí để có hành vi tiêu cực. Ngoài ra, các cơ quan quản lý báo chí và bảo vệ pháp luật về báo chí cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ở cơ sở cũng cần nâng cao ý thức phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng báo chí để trục lợi. Muốn vậy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần trang bị những kiến thức cơ bản về lĩnh vực báo chí, đặc biệt là hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí.
Hiện nay, cả nước đang triển khai đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của địa phương, đất nước. Đại hội Đảng các cấp là thực tiễn sinh động cho hoạt động báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các thế lực phản động, các đối tượng xấu lợi dụng báo chí, mạng xã hội để chống phá hoặc thực hiện các hành vi tiêu cực. Vì vậy, các cấp ủy Đảng và cơ quan báo chí cần phải nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh với các hành vi sai trái, luận điệu xuyên tạc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.
DUY LÊ