Multimedia

Emagazine

E-magazine Không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai”: Lắng nghe cổ vật kể chuyện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh từng nhận định về bộ sưu tập gần 40 ngàn hiện vật, cổ vật của nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm: “Tôi biết ở Việt Nam có 2 người. Ở miền Bắc (Hòa Bình) có một anh chuyên sưu tập văn hóa Mường. Ở miền Nam (Lâm Đồng) có Đặng Minh Tâm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên. Có lẽ, không bao lâu nữa, ai muốn tìm hiểu Tây Nguyên thì phải gặp Tâm thôi”. Và hôm nay, nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm đã mang “kho báu” ấy về phố núi Pleiku để giới thiệu đến công chúng một “Tây Nguyên đẹp và hồn nhiên như thế nào, từ cái ăn cái mặc, công cụ lao động, sản xuất, cái gì cũng gần gũi với đời thường nhưng lại chứa đựng rất nhiều minh triết về cuộc sống”.

“Nói đến Tây Nguyên là nói đến voi như một biểu tượng về vùng đất này. Người Tây Nguyên xưa chỉ săn bắt voi con, voi đực về thuần dưỡng lấy sức kéo, phục vụ sản xuất, chiến đấu... Họ không săn bắt voi bố mẹ, voi cái. Và những người săn bắt đủ 18 con sẽ được phong Gru (vua săn voi). Tây Nguyên có hàng trăm vua voi như vậy. Nhưng từ mấy chục năm trước, Nhà nước đã cấm săn bắt để bảo vệ đàn voi rừng.

Mỗi hiện vật là một câu chuyện văn hóa, đời sống thú vị. Trong đó, bộ tượng cây thể hiện minh triết của người Tây Nguyên biểu hiện một cách giản dị qua những điêu khắc gỗ trên thân cây.

Hàng ngàn hiện vật, cổ vật được trưng bày thành từng chủ đề như các sưu tập gùi cổ, trống da, các loại nỏ săn bắn, nhạc cụ dân tộc, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống, thổ cẩm đặc trưng của các tộc người, vườn tượng gỗ, sưu tập ghè cổ… Không gian còn tái hiện đời sống văn hóa, sinh hoạt đời thường của cư dân Tây Nguyên với những nếp nhà rông, nhà sàn. Hiện vật trưng bày trong không gian làng, rừng tạo thành một nhịp điệu tương quan nối liền các thời kỳ, từ buổi sơ khai đến nay vẫn không hề tách rời với cội nguồn tự nhiên. Chúng tôi tin rằng không gian trưng bày thực sự trở thành “thiên đường” cho những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên bước vào để thưởng thức vẻ đẹp giản dị mà đầy minh triết của một nền văn hóa được sinh ra từ rừng.

Bộ sưu tập ghè Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Bộ sưu tập ghè Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Sự kết hợp giữa nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm, nhà thiết kế Minh Hạnh-Giám đốc sáng tạo của Công ty TNHH Việt Mốt và ông Huỳnh Tấn Phước-Giám đốc Công ty Tơ tằm Nhật Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty VietNam Silk House đã tạo nên không gian văn hóa Tây Nguyên như một bảo tàng mở ngay giữa lòng Phố núi. Nếu nhà sưu tầm mang đến các hiện vật giúp người ta “đi tìm thời gian đã mất” thì nhà thiết kế Minh Hạnh và ông Huỳnh Tấn Phước lại khiến ta nhìn thấy sức mạnh mềm của văn hóa trong đời sống đương đại.

Ông Huỳnh Tấn Phước-Giám đốc Công ty Tơ tằm Nhật Minh cung cấp sợi tơ cho các nghệ nhân thực nghiệm trên khung dệt. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Huỳnh Tấn Phước-Giám đốc Công ty Tơ tằm Nhật Minh cung cấp sợi tơ cho các nghệ nhân thực nghiệm trên khung dệt. Ảnh: Hoàng Ngọc

Không gian trưng bày văn hóa Tây Nguyên thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng lãm, chụp ảnh. Chị Mai Thị Ánh Trúc (quê Gia Lai, hiện sinh sống tại Đà Nẵng) cho biết: “Các hiện vật về Tây Nguyên như một bài thơ về cuộc sống vậy. Tôi rất thích bộ sưu tập công cụ lao động, săn bắt voi. Người Tây Nguyên dùng những công cụ giản đơn nhất để chinh phục tự nhiên, sống hài hòa với tự nhiên trong suốt chiều dài lịch sử và sáng tạo những giá trị văn hóa độc đáo”.

Đặc biệt, khi nhà thiết kế Minh Hạnh đưa sự gần gũi nhưng đầy tinh tế của văn hóa Tây Nguyên ra toàn cầu thông qua thời trang cũng sẽ khiến cho bạn bè trong nước, quốc tế biết đến Tây Nguyên nhiều hơn. Không chỉ là điểm dừng chân cho du khách ở Gia Lai, mà trên cung đường du lịch kết nối 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam, đây cũng sẽ là điểm tìm hiểu truyền thống, sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số qua nhiều thế kỷ. Sự giao thoa về văn hóa này sẽ là điểm nhấn thu hút du khách khắp nơi về với Gia Lai, với Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm