Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Ký ức về những “cánh đồng 10 tấn”


Hình ảnh về những cánh đồng lúa trĩu bông, vụ mùa hối hả và cả niềm vui trên gương mặt của người nông dân luôn hiện hữu trong câu chuyện kể của những thành viên Hợp tác xã (HTX) An Phú ngày nào. Hành trình vượt khó để vươn tới những tháng ngày no ấm của họ không thể thiếu điểm tựa từ “Câu lạc bộ 10 tấn thóc/ha”.



“Chúng tôi gọi đó là cuộc cách mạng trên những cánh đồng”-ông Nguyễn Thế Binh (72 tuổi, thôn 2, xã An Phú) nhắc nhớ trong niềm tự hào. Năm 1979, ông Binh là Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Phú 1 và cũng là một trong những cá nhân tiêu biểu dẫn dắt phong trào trồng lúa nước đạt 10 tấn/ha/năm của địa phương. Với ông, thành quả ấy chính là mồ hôi, công sức và tình yêu cây lúa của người dân An Phú.

Lật giở lại dòng ký ức, ông Binh kể: Thời điểm sau giải phóng, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nhằm bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân. Việc khai hoang, vỡ đất và xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi để sản xuất lúa 2 vụ được khởi xướng tại xã An Phú. Ngày ấy, An Phú là xã thuần nông có bãi bồi màu mỡ, làm nên những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.



Kể tới đây, ông Binh không khỏi bồi hồi. Ông quay lại ngắm nhìn tấm bằng khen được treo trang trọng trong nhà gần 43 năm qua. Đó là bằng khen dành cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong Chiến dịch “35 triệu tấn phân hữu cơ” do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Theo ông Binh, ngày ấy, yếu tố tiên quyết để có thể đạt được năng suất 10 tấn/ha/năm chính là tăng cường phân hữu cơ cho ruộng lúa. Mỗi ha lúa được bón 10 tấn phân hữu cơ/năm. Ông Binh cho biết: “Hưởng ứng Chiến dịch “35 triệu tấn phân hữu cơ”, HTX phát động phong trào toàn dân làm phân xanh. Tôi huy động xã viên lấy các loại cây xanh, đặc biệt là lá cây dã quỳ, sau đó đào hố ủ hoai. Kết quả, năm 1980, 18 đội sản xuất của xã đã làm và ủ được 1.200 tấn phân xanh để bón cho cây lúa nhằm tăng năng suất”.



Là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Phú 2, thời điểm đó, ông Trảo An Nhơn (75 tuổi, thôn 3, xã An Phú) từng được cử đi tham gia các lớp tập huấn trồng lúa của “Câu lạc bộ 10 tấn thóc/ha” do Bộ Nông nghiệp tổ chức. Ông tự hào kể: “Là thành viên Câu lạc bộ, HTX Nông nghiệp An Phú 2 thường xuyên được mời tham dự các lớp hướng dẫn về khoa học kỹ thuật trồng lúa. Ở đó, tôi được gặp gỡ xã viên của các HTX nông nghiệp giỏi trong cả nước; đồng thời, học được rất nhiều phương pháp mới mẻ, tiên tiến đem về truyền đạt lại cho các xã viên của mình như: cách đưa nước vào ruộng phải phù hợp từng mùa, từng loại lúa; cách tháo và ngăn nước khi làm cỏ, bón phân… đảm bảo cho cây lúa phát triển và đạt năng suất cao”.

Từ khi vào “Câu lạc bộ 10 tấn thóc/ha”, 2 HTX nông nghiệp của xã An Phú đã có nhiều thành tích vượt trội trong tổ chức sản xuất. Các HTX đã vận dụng các điều kiện về đất đai, địa hình, tập quán; đặc biệt là áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh cải tạo đất... để An Phú trở thành vùng thâm canh lúa nước, góp phần nâng cao đời sống người dân và tạo nguồn cung cấp lương thực cho người dân thị xã Pleiku lúc bấy giờ.




Đưa tay chỉ về cánh đồng lúa mướt xanh, ông Trần Thanh Vân (80 tuổi, thôn 3, xã An Phú) chia sẻ: “Là người trực tiếp tham gia khai hoang, làm thủy lợi và gieo cấy từ vụ lúa Đông Xuân đầu tiên của xã, khi nghe tin HTX của mình vinh dự là thành viên của “Câu lạc bộ 10 tấn thóc/ha”, tôi vỡ òa niềm vui. Chúng tôi xem HTX là gia đình thứ 2. Chúng tôi gắn bó và chung tay xây dựng nên những cánh đồng tốt tươi để luôn xứng đáng là lá cờ đầu về phát triển sản xuất toàn diện của tỉnh”. Cùng chung niềm tự hào, bà Trần Thị Năm (72 tuổi, thôn 1, xã An Phú) chia sẻ: “Ở xã An Phú, khi còn làm ăn cá thể có nhiều hộ thiếu đói. Nhưng từ khi vào HTX, các gia đình vừa đủ ăn vừa thực hiện được nghĩa vụ lương thực với Nhà nước và còn có lương thực đem bán để mua bò, dựng nhà mua sắm các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt. Lúc đó, HTX hoạt động vững chắc và chăm lo tốt cho đời sống xã viên. Chúng tôi cũng rất tự hào khi HTX luôn là điển hình về sản xuất nông nghiệp của thị xã Pleiku và của tỉnh Gia Lai-Kon Tum ngày ấy”.



Tháng 1-1981, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong HTX nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp An Phú 1, An Phú 2 đã tích cực triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện khoán sản phẩm ngay từ vụ Đông Xuân 1981-1982. “Việc áp dụng khoán sản phẩm vào nông nghiệp mang lại kết quả đáng phấn khởi khi 2 HTX có trên 80% xã viên vượt khoán. Có gia đình vượt khoán hàng tấn thóc. Cùng với việc khoán sản phẩm, chúng tôi còn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất, mua sắm máy cày, máy tuốt lúa và các loại nông cụ khác nhằm từng bước cơ giới hóa nông nghiệp, tăng năng suất lao động”-ông Binh cho biết.



Năm 1983, diện tích trồng lúa của xã An Phú đạt trên 300 ha với năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha/năm. Với thành quả đó, năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã tặng thưởng Nhân dân và cán bộ xã An Phú Huân chương Lao động hạng ba vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp; Huân chương Lao động hạng nhì vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong các mặt công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Mùa xuân tiếp nối trên những “cánh đồng 10 tấn” của vùng đất An Phú. Nhân dân xã An Phú hăng say sản xuất, cải tạo hệ thống thủy lợi, khai thông kênh dẫn dòng đưa nước tưới cho ruộng đồng mùa khô, thoát úng trong mùa mưa; giúp địa phương mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp với năng suất cao. Hiện nay, năng suất bình quân đạt 13-15 tấn/ha/năm.



*

Trong làn nắng sớm, những cánh đồng lúa của An Phú bừng lên sức sống mới. Hành trình của cây lúa ở vùng đất trù phú này vẫn đang tiếp tục sinh sôi. Và, ký ức về những dấu ấn đặc biệt của “Câu lạc bộ 10 tấn thóc/ha” còn mãi như một cuộc cách mạng trên cánh đồng đối với biết bao thế hệ người dân nơi đây.


Có thể bạn quan tâm