Nhập bộ kit test nhanh Covid-19 với giá 61.000 đồng/bộ và bán lại cho các doanh nghiệp, địa phương với giá 41.000 đồng/bộ. Thông tin bất ngờ này đã được chính lãnh đạo Tập đoàn Vingroup khẳng định với báo chí vào hôm 2-10.
Trước đó, dư luận có nhiều thông tin bất lợi cho tập đoàn này khi cho rằng họ được ưu ái từ Bộ Y tế để nhập 25 triệu bộ kit test phân phối trong nước với giá cao. Việc nhập kit test mở đường cho phi vụ kinh doanh khác là mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam... Nhiều người nóng vội tin rằng có thể câu chuyện diễn tiến theo cách đó, bởi họ không tiếp cận được thông tin đáng tin cậy hơn từ cơ quan chức năng và cả... Vingroup.
Nay thì mọi chuyện đã rõ và có lẽ chẳng ai hoài nghi những thiện chí mà tập đoàn này đã làm trong công tác toàn dân chống dịch. Cũng từ đây, nhiều người nhớ lại Vingroup từng tặng 3.200 máy thở do chính doanh nghiệp sản xuất cho Bộ Y tế để trang bị cho các địa phương trong lúc dịch bệnh bùng phát, làm nhiều người chết vào tháng 8 vừa qua; 10 triệu bộ kit test khác cũng đã được tập đoàn này tặng cho các địa phương...
Không chỉ Vingroup mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang dốc sức cùng Chính phủ và người dân ngăn ngừa dịch bệnh nhưng không màng đến lợi nhuận. Nhiều tổ chức, cá nhân đang rộng lòng mở hầu bao để mong cả nước sớm yên bình, người dân sớm vực dậy cuộc sống. Thế nhưng, nếu thiếu thông tin rõ ràng thì việc nảy sinh dư luận trái chiều là không tránh khỏi. Huống gì trong suy nghĩ quán tính của không ít người, những quyết định của doanh nghiệp thường đứng trên góc độ lợi nhuận.
Giúp được người khác là điều đáng quý, giúp trong lúc họ ngặt nghèo lại càng cao cả. Nhưng đây là công việc không hề đơn giản, nó cần tấm lòng trong sáng tuyệt đối và thực sự chuyên nghiệp. Thiếu đi một vế, công việc này sẽ bị giới hạn và hoài nghi cho dù đó là những đồng tiền của cá nhân, doanh nghiệp. Có doanh nghiệp khi lợi nhuận tốt, thời cơ thuận lợi thì hằng tháng chi tiền giúp trẻ mồ côi: nuôi nấng, tổ chức trường lớp... Nhưng công việc này đòi hỏi phải được duy trì nhiều năm và cả chuẩn bị tương lai cho những đứa trẻ trưởng thành. Nếu gặp bất lợi trong kinh doanh thì liệu doanh nghiệp có còn duy trì nổi công việc này? Những đứa trẻ sẽ ra sao?
Với một số doanh nghiệp bài bản, họ luôn tách bạch việc giúp đỡ cộng đồng ra khỏi kinh doanh và tổ chức bộ máy quản lý riêng biệt để không bị hiểu lầm là gián tiếp quảng cáo cho mình. Bộ máy này lập kế hoạch, ra chiến lược dài hạn, ngắn hạn cho từng mục tiêu và đối tượng cụ thể. Ví dụ, ở nước ngoài có nhiều tỉ phú tài trợ cho các nghiên cứu về bảo tồn thiên nhiên. Họ trả lương cho các nhà khoa học theo từng chương trình từ khi bắt đầu cho đến kết thúc. Hoặc các tập đoàn tài trợ toàn bộ chi phí cho cả một nhóm chuyên gia nghiên cứu về y học, với điều kiện thành quả nghiên cứu sẽ được phục vụ cộng đồng phi lợi nhuận...
Biết rằng làm việc thiện thì không nên phô trương nhưng cần phải minh bạch để tránh sự hiểu lầm và tránh cả được hấp dẫn khó cưỡng mà quá trình hành thiện có thể phát sinh. Tầm vóc của một việc thiện lớn hơn nhiều so với lợi ích cụ thể đối với người được nhận, bởi nó còn truyền thông điệp tốt đẹp đến toàn xã hội để làm nảy mầm thiện tâm trong lòng nhiều người khác.
Theo Gia Khang (NLĐO)