Theo báo cáo của Ban tổ chức, chỉ sau 6 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 148 tác phẩm của các tác giả/nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh. Trong số đó có 78 tác phẩm báo in, 39 tác phẩm báo hình và 31 tác phẩm báo phát thanh.
Tại cuộc họp vào chiều 30-5 vừa qua, các thành viên Hội đồng chung khảo đều cho rằng cuộc thi đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Bên cạnh các yếu tố liên quan đến nghiệp vụ báo chí, thông qua cuộc thi, các tác giả/nhóm tác giả đã phát hiện, giới thiệu đến công chúng rất nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực từ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đến xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là lĩnh vực an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo.
Sau khi tiếp cận các tác phẩm tham gia dự thi, chúng ta có cảm giác như đang đứng trong một vườn hoa đầy màu sắc, mà ở đó, mỗi tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến là một bông hoa ngát hương giữa đời thường. Đó là chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang), bác sĩ chuyên khoa II Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), thầy Ngô Hồng Phong-giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai), cô Nguyễn Thị Như Yến-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) hay ông Đinh Văn Đơm-người có uy tín ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro)… Tuy mỗi người có hoàn cảnh sống, công việc khác nhau, nhưng ở họ đều có chung một điểm là luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và hết mình vì cộng đồng. Nếu bác sĩ Trần Kế Toán dành mọi tâm huyết cho việc chữa bệnh cứu người thì nữ công chức cấp xã Trần Thị Bích Ngọc luôn cống hiến hết sức mình vì tình yêu văn hóa dân gian. Nếu thầy giáo Ngô Hồng Phong tìm thấy hạnh phúc khi giúp đỡ học trò nghèo thì “đại thụ” Đinh Văn Đơm lại đau đáu với cuộc sống dân làng và sự phát triển của quê hương yêu dấu…
Tuy phản ánh khá toàn diện các lĩnh vực, song cuộc thi cũng chỉ chạm tới một số tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước đã và đang lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Trong thực tế, số lượng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất sắc trên địa bàn tỉnh lên đến hàng ngàn, ở nhiều lĩnh vực, với nhiều cấp độ khác nhau. Trong số đó, không ít người chưa một lần được vinh danh vì nhiều lý do. Đáng chú ý, có những trường hợp làm nhiều việc tốt nhưng chưa bao giờ mong muốn được vinh danh. Bởi lẽ, với họ, làm việc tốt đơn thuần là để giúp ích cho xã hội, để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Họ là hiện thân của cái đẹp mà xã hội ưu việt của chúng ta đang vươn tới.
Với mục đích lan tỏa, nhân rộng các nhân tố tích cực trong cuộc sống, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiến hành bình chọn, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Đây là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, quá trình bình chọn, tôn vinh vẫn còn nặng về hình thức và mang tính phong trào nên chưa nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các giai tầng trong xã hội.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước.
Thiết nghĩ, cùng với quán triệt, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ban ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến bằng nhiều hình thức, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng và không gian mạng để tạo hiệu ứng sâu rộng trong toàn xã hội. Ngoài ý nghĩa động viên, cổ vũ, đây còn là biện pháp “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.