Thời sự - Bình luận

Lũ giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau tròn một tuần, nhìn lại hậu cảnh cơn bão số 3 (Yagi) kèm lũ quét, sạt lở kinh hoàng, cùng bao chuyện khóc cười, thấy gì?

Thấy tất cả không là gì trước sự xuống tay cuồng nộ của thiên nhiên. Những tòa nhà khổng lồ run rẩy trong bão. Hàng vạn cây xanh lực lưỡng bị bẻ gọn như que tăm. Cây cầu Phong Châu ở Phú Thọ kềnh càng là thế chỉ trong tích tắc như chiếc lá rơi xuống sông Hồng cuộn đỏ, kéo theo hàng chục người, cùng nhiều ô tô, xe máy. Những quả núi ngọn đồi cao ngất xanh rì bỗng chốc vỡ toang tràn xuống chôn vùi những bản làng, trường học… Thấy công nghệ có là gì, khi trưởng thôn, dân làng phải chạy bộ hàng chục cây số đồi núi lên xã cấp báo chính quyền về thảm họa, để rồi phải lặn lội cả ngày trời lực lượng cứu hộ mới có thể tiếp cận hiện trường…

Thấy lúng túng, ùn ứ về quản lý và điều phối lòng nhân ái của hàng triệu người, khi hàng ngàn chuyến xe của các hội nhóm quyên góp tự phát tấp nập chở hàng cứu trợ hướng về miền Bắc, nhưng gần như không biết đích xác nên đến đâu, làm cách nào đến được tận nơi, cần phối hợp với ai, dân cần hỗ trợ gì…?

Và thấy những cơn “lũ giả”. Là thông tin, hình ảnh, video clip giả, số tài khoản giả, giả cơ quan tổ chức kêu gọi từ thiện, cứu trợ giả,… lấy đi nước mắt và tiền bạc của bao người, về những khoản tiền thật lộ ra hậu sao kê.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ trung ương tới các địa phương lần đầu tiên công khai toàn bộ sao kê tiền ủng hộ đồng bào bão lụt cả nước gửi về, từ vài chục nghìn đến cả tỷ đồng. Công khai, minh bạch, tất cả đều có thể kiểm tra, giám sát. Tính đến tối 12/9, đã có hơn 12 nghìn trang sao kê với tổng số tiền gần 528 tỷ đồng được công khai. Để rồi biết bao bi hài lộ sáng, với vô số thông tin, hình ảnh giả về những khoản tiền giả được tạo bởi AI gây không ít nhiều nhiễu loạn, nghi ngờ, chia rẽ nhân tâm và xem nhẹ công cuộc cứu trợ đồng bào mà lúc này nhiều nơi vẫn còn đang “nước sôi lửa bỏng”.

“Cuộc tấn công của kỹ thuật số” như cách nói của Tổng thống Brazil, là tai họa ghê gớm thứ hai giáng xuống miền Nam ngập lụt của đất nước này khiến hơn 200 người chết và mất tích hồi tháng 5 vừa rồi. Với vô số thông tin sai lệch, giả mạo, gây chia rẽ. Những trận “lũ giả” này cũng đã và đang tràn qua mọi điểm nóng thiên tai, thảm họa trên toàn thế giới, vượt qua mọi tốc độ và cường độ của những trận siêu lũ, bão. Báo cáo rủi ro toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế thế giới hồi đầu năm nay đã chỉ ra: thông tin sai lệch, thông tin giả đứng đầu rủi ro toàn cầu năm 2024 (trong ngắn hạn) khi các mối đe dọa về môi trường ngày một gia tăng.

Hồi tháng 8/2016, khi viết về vụ một tàu cá của ngư dân làng Châu Thuận Biển (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc đâm chìm may mắn được người mình cứu sống giữa Hoàng Sa, tôi chợt phát hiện cả 5 con người cùng một gia đình trên chiếc tàu định mệnh ấy ghép các tên lại là Năn(g), Nỉ, Nguyện, Cầu. Những người dân lao động bé nhỏ, hiền lành xứ mình là vậy. Rất thật. Chỉ biết năn nỉ nguyện cầu trước mọi dông tố trên đời.

Thấy gì nữa sau bão lũ Yagi? Thấy biết ơn những chú chó vốn luôn bị con người khinh miệt, vẫn đang cần mẫn bới đào tìm kiếm những thi thể người còn khuất lấp dưới bùn sâu…

Theo TRÍ QUÂN (TPO)

Có thể bạn quan tâm