Thời sự - Bình luận

Miễn giảm thuế: Thuốc bổ đúng lúc cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực khoa học công nghệ là được miễn giảm thuế tới 12 năm, bắt đầu từ 1.3.2021 tới đây.

 

 


Hồi giữa năm 2019, tại diễn đàn phát triển công nghệ Quốc gia, ông Nguyễn Thế Tân- TGĐ một doanh nghiệp công nghệ lớn đã phàn nàn rằng chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam đang ở mức kém nhất so với các công ty outsource hay các công ty công nghệ xuyên biên giới.

Ông Tân dẫn ra câu chuyện: ở Trung Quốc, doanh nghiệp sáng tạo công nghệ đang được hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế. Điều tương tự cũng đang diễn ra tại Mỹ khi Amazon là doanh nghiệp có lợi nhuận hàng tỷ USD nhưng lại đóng thuế 0 đồng.

"Trong khi đó ở Việt Nam, mức thuế mà những doanh nghiệp công nghệ như chúng tôi phải đóng dao động từ 15-20% doanh thu, chứ không phải là 15-20% tính trên lợi nhuận như các nước. Điều này bởi thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng rất cao", ông Nguyễn Thế Tân nói.

Bởi thế, việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cho là một đột phá lớn trong việc phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Theo đó, doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tổng cộng sẽ được miễn giảm tới 12 năm.

Nghị quyết 01 của Chính phủ hồi đầu năm 2021 đưa ra yêu cầu: Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đây chính là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cần phải có thêm nhiều động lực để phát triển doanh nghiệp lĩnh vực khoa học, công nghệ làm nền tảng đẩy nhanh chuyển đổi số, kinh tế số, biến những nguy cơ từ dịch COVID-19 thành cơ hội để phát triển.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ, hơn lúc nào hết cần được tiếp sức, không chỉ đơn thuần là những lời động viên, hô hào trên giấy tờ mà bằng cả những chương trình hành động cụ thể, thiết thực.

Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh việc "đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế". Đây được coi như định hướng chính để đột phá, tháo bỏ rào cản trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Hơn lúc nào nào hết, doanh nghiệp tham gia khoa học công nghệ cần được tiếp sức bằng những chính sách cụ thể, thiết thực. Việc giảm thuế theo nghị định 13 và thông tư 03 chỉ là bước khởi đầu, mở màn để phát triển. Đặc biệt trong lúc này, nó là liều thuốc bổ để doanh nghiệp khoa học công nghệ có thêm nội lực vượt qua khó khăn bởi dịch COVID-19. Đồng thời, khắc phục câu chuyện doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khoa học công nghệ nói riêng cứ mãi "còi cọc, không dám lớn" chỉ vì chưa nhận được ưu đãi cần có của một ngành mang tính chủ lực trong phát triển kinh tế.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mien-giam-thue-thuoc-bo-dung-luc-cho-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-880482.ldo
 

Theo LINH ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm