Thời sự - Bình luận

Một nửa sự thật…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, chính quyền các địa phương trong cả nước đã buộc phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm đối tượng sử dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật… làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước và cuộc sống cộng đồng. Mặc dù các cấp chính quyền đã vào cuộc xử lý rất quyết liệt nhưng số vụ vi phạm diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Công an huyện Chư Prông vừa ra quyết định xử phạt hành chính Vi Văn Đức (SN 1995, trú tại thôn Pắc Pó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) về hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận. Ảnh: V.N

Tại Gia Lai, theo số liệu của Công an tỉnh, từ đầu mùa dịch đến nay, chính quyền các địa phương đã xử lý 34 vụ vi phạm khi đăng tải và chia sẻ thông tin liên quan đến dịch Covid-19 trên mạng xã hội Facebook. Điển hình như ngày 31-3, chị V.T.C. (SN 1980, trú tại xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) đã đăng tải lên mạng xã hội Facebook với nội dung chỉ trích, phản đối, nói xấu Chính phủ liên quan đến công tác chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 gây dư luận xấu trên địa bàn. Tiếp đó, ngày 6-4, Công an thị xã An Khê đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với anh T.V.V. (trú tại xã Thành An) vì chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch Covid-19. Mới đây, Công an TP. Pleiku cũng đã ban hành quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với anh T.N.T. (SN 1977, trú tại làng Ia Rok, phường Chi Lăng) vì tung tin sai sự thật lên mạng xã hội và cho rằng chính quyền phường Chi Lăng không chăm lo đời sống cho người có hoàn cảnh khó khăn…

Phân tích bản chất các vụ việc, chúng ta dễ dàng nhận thấy, hầu hết số người vi phạm đều xuất phát từ tâm lý chủ quan cũng như chưa lường hết được hậu quả của thông tin sai sự thật trên hệ thống truyền thông và mạng xã hội. Không ít người xem trang Facebook là nơi có thể vô tư trút bỏ cái sự “nóng trong người” hoặc có thể lạm bàn mọi việc tùy thích. Bên cạnh đó cũng có một số người dùng thông tin giật gân để câu like, câu view… nhằm gây sự chú ý của cộng đồng mạng, phục vụ mục đích cá nhân. Cá biệt có trường hợp vì mục đích trở thành “hot phây” mà không làm chủ được bàn phím. Có người sau khi cơ quan chức năng phân tích thì họ mới nhận ra hành vi sai phạm và vội vàng rút thông tin, đăng tin cải chính kèm theo lời xin lỗi. Đáng chú ý, không ít trường hợp chỉ vì hóng hớt thông tin vỉa hè nhưng thiếu kiểm chứng dẫn đến sai phạm.

Chúng ta đang sống giữa thời đại 4.0. Mọi tin tức được cập nhật hàng giờ và lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Theo đó, một thông tin chính xác và có ích được lan tỏa sẽ góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp. Ngược lại, nếu là thông tin sai sự thật, tin giả mạo hoặc bịa đặt thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả cộng đồng. Dịch Covid-19 là mối quan tâm hàng đầu hiện nay. Do đó, thông tin về dịch bệnh rất được mọi người quan tâm. Vì vậy, chỉ cần một thông tin sai lệch cũng có thể khiến một nhóm người hoặc cộng đồng đánh giá sai về một sự vật, hiện tượng.

Theo các nhà quản lý, việc đấu tranh ngăn chặn tin giả mạo, tin sai sự thật trên mạng xã hội cũng cấp thiết như công tác phòng-chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, sự ra đời Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2020) sẽ góp phần điều chỉnh nhiều mối quan hệ, trong đó có thông tin trên mạng xã hội. Theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP thì hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì chưa hẳn là sự thật. Vì vậy, trước khi gõ phím để đăng tải hoặc chia sẻ thông tin, mọi người cần hết sức cân nhắc, tránh rơi vào “cái bẫy” của chính mình.

 DUY LÊ

 

Có thể bạn quan tâm