Thời sự - Bình luận

Nếu chính các thầy cô mơ hồ về bạo lực học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có thể bạn không tin, nhưng trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau - Số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây nhất. Tức là cứ mỗi ngày xảy ra 5 vụ bạo lực học đường.

Hình ảnh một vụ bạo lực học đường cũng vừa xảy ra ở Quảng Bình. Ảnh: Cắt từ clip

Vụ em N.T.Y.N nữ sinh trường Trung học phổ thông chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử đang là một tâm điểm của dư luận.

Có rất nhiều tình tiết mà đến giờ, người lớn chúng ta chắc chắn cảm thấy hối tiếc.

Bởi từ giữa học kỳ một, em N.T.Y.N đã xin chuyển sang một lớp khác cùng khối… nhưng không được giải quyết.

Bởi thực tế là N.T.Y.N bị cả lớp xa lánh - như xác nhận của cô giáo chủ nhiệm. Bởi ngay cả nhóm bạn thân giờ “không còn chơi chung nữa”.

Và còn bởi nữ sinh từ đầu năm, đã nghỉ đến 20 buổi học.

Một học sinh trường chuyên chăm ngoan học giỏi với kết quả học tập đạt loại giỏi, hạnh kiểm tốt... và rồi nghỉ học, và rồi một ngày chủ động tìm đến cái chết. Có nghĩa rằng, cô bé ấy đã trầm cảm đến mức không còn tìm thấy lối thoát trong cuộc sống này.

Nguyên nhân, vì “sợ đi học, sợ đến trường”, vì bị đánh đập, ngược đãi, bị áp đảo tâm lý, bị cô lập... trong cái chúng ta gọi là “bạo lực học đường”, hay vì nguyên nhân nào khác sẽ được và cần phải được làm rõ.

Nhưng lẽ ra, nó đã phải được làm rõ trước khi hậu quả đau lòng xảy ra.

Bởi bất luận nguyên nhân có là gì thì N.T.Y.N vẫn là một nạn nhân... của những ứng xử dưới mái trường... dù nhà trường có muốn thừa nhận điều đó hay không.

Sách Giáo dục công dân lớp 7 có bài học về biểu hiện của bạo lực học đường: Đó là những hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, là việc xâm hại thân thể, sức khoẻ, lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm. Và còn là việc cô lập, lảng tránh, xua đuổi... nói xấu, chê bai nữa...

Chúng ta có những bài học rất đầy đủ và cụ thể, hẳn trong sách giáo khoa, về bạo lực học đường.

Nhưng chúng ta có ngày càng nhiều hơn những vụ bạo lực học đường, với những con số báo động, với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tại sao lại như vậy?

Vừa xong, đã xảy ra một vụ giám thị bắt 8 học sinh cởi hết quần áo để kiểm tra... một hành vi không thể gọi khác: Chính là bạo lực học đường.

Để có thể giải quyết tận gốc nạn bạo lực học đường, có lẽ phải là việc dạy các em hiểu rõ bạo lực học đường trong thực tế. Dạy các em biết mình cần phải làm gì, tìm kiếm sự giúp đỡ của ai trong trường hợp trở thành một nạn nhân. Cả các thầy cô nữa. Chứ đến chính các thầy cô còn mơ hồ về bạo lực học đường thì trách sao các em không biết để có thể tự bảo vệ mình.

Có thể bạn quan tâm